Diễn đàn Kinh tế Việt Nam: Hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường vốn và bất động sản

2 năm trước 150
 Hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường vốn và bất động sản - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại hội thảo chuyên đề Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, các vấn đề phát triển thị trường vốn an toàn, bền vững, hướng tới chuẩn mực quốc tế đã được các chuyên gia, nhà quản lý cùng thảo luận. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng cần có sự đánh giá, nhìn nhận sự phát triển của thị trường vốn và thị trường bất động sản để có các giải pháp phát triển phù hợp, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Thống kê cho thấy quy mô của thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021. Đến cuối quý 1-2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,570% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP, trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 16,4%GDP. 

 Hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường vốn và bất động sản - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại phiên thảo luận về thị trường vốn và bất động sản

Với vai trò là kênh dẫn vốn, thị trường vốn là kênh quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản để huy động vốn trung và dài hạn, phù hợp với tính chất đầu tư của các dự án bất động sản.

Từ đầu tháng 4-2022, thị trường có nhiều đợt điều chỉnh, đặc biệt nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản có sự điều chỉnh nhiều nhất. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng nhanh về quy mô nhưng cũng phát sinh nhiều rủi ro, bất cập. 

Trong khi đó, mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền liên tục tăng từ đầu năm 2021 và đã tăng bình quân khoảng 5-7% với phân khúc chung cư; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. 

Trong quý 1-2022, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ đạt khoảng 20.325 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 45,5% so với quý 4-2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021.

"Cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý gồm Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn... đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường", ông Đức Chi nhìn nhận.

 Hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường vốn và bất động sản - Ảnh 3.

Các chuyên gia quốc tế và trong nước đã đưa ra nhiều nhận định mới về thị trường vốn và bất động sản Việt Nam thời gian tới

Ông Nguyễn Quang Thuân, tổng giám đốc Công ty Fiingroup, cũng cho rằng cho vay bất động sản nhà ở 65% dư nợ tín dụng ngân hàng và nhà đầu tư phân khúc này cũng phát hành trái phiếu rất nhiều. 3.000 doanh nghiệp đang phát triển dự án nhà ở dân cư trên cả nước, chủ yếu tập trung vào một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao. 

Do đó việc điều chỉnh chính sách cần xem xét theo khu vực chứ không nên đồng bộ cho tất cả. 

Ở góc độ thị trường vốn, ông Phạm Hồng Sơn - phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính - cũng cho biết ban này sẽ nghiên cứu các báo cáo của Bộ Tài chính để kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật chứng khoán, bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán. 

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay tiếp tục là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa những người làm chính sách, đại diện các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế nhằm có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Ba hội thảo chuyên đề tiến hành song song trong sáng 5-6 gồm: hội thảo Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19; hội thảo Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản và hội thảo Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

 Lập diễn đàn để phát triển kinh tế sốChủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Lập diễn đàn để phát triển kinh tế số

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, Hiệp hội Tin học TP.HCM thành lập diễn đàn số để có người tiếp thu phản hồi.

Nguồn bài viết