Diễn đàn 'Không thể nói tục như một thói quen': 'Uốn lưỡi' để bỏ thói quen xấu

2 năm trước 117
 Uốn lưỡi để bỏ thói quen xấu - Ảnh 1.

Các bạn trẻ phụ nấu ăn tại một địa chỉ nuôi dưỡng người già neo đơn, cũng là cách nuôi dưỡng tâm hồn văn minh cho chính mình - Ảnh: Q.L.

Không thể phủ nhận nguyên nhân từ suy nghĩ lệch lạc ở cả nam lẫn nữ sinh rằng nói tục, chửi thề sẽ khiến mình trở nên "oai" hơn, sành điệu hơn, cá tính hơn trong mắt người khác.

HOÀNG PHƯỚC

Tiếng Việt vốn được xem như tấm hộ chiếu văn hóa của người Việt song vô tình bị vấy bẩn bởi vấn nạn nói tục, chửi thề. Nhận diện xuất phát điểm của vấn nạn này, câu chuyện đặt ra là cùng tìm lời giải để lời ăn tiếng nói của mỗi người ngày càng đẹp hơn.

Có phần lỗi từ người lớn

Tôi làm công việc liên quan đến phim ảnh, có lần tham gia đoàn phim quay trong rừng ở Đồng Nai. Nhóm diễn viên trẻ ngồi cùng nhau tập thoại, đùa giỡn và nói những câu rất tục tĩu. Một bác diễn viên lớn tuổi ngồi gần đó đã nghiêm khắc phê bình, chấn chỉnh ngay đồng nghiệp trẻ. Tôi không chắc các diễn viên trẻ ấy còn nói tục hay không, nhưng sau hôm ấy, mỗi lần gặp bác diễn viên lớn tuổi, họ đều nói năng nghiêm chỉnh.

Sống trong khu lao động bình dân gần chợ Gò Vấp, tôi chứng kiến cặp vợ chồng nói chuyện với nhau văng tục như một thói quen. Bực tức con cái, họ cũng văng tục với chúng. Con trẻ sẽ bị ảnh hưởng vào tiềm thức khi nghe người lớn thay nhau văng tục quá nhiều.

Tôi hỏi cộng sự người Hàn, người Nhật về chuyện này, họ khá ngạc nhiên. Họ nói ở nước họ, không kể là cha mẹ mà bất cứ người lớn nào thấy "bọn trẻ" xung quanh có hành vi nào đó không đúng mực họ chỉnh ngay. Nên các bạn trẻ "hổ báo" ở đâu không biết nhưng trước người lớn, làm gì họ cũng ý thức. Còn văng tục là lỗi tày trời, bất cứ người lớn nào cũng có thể "dạy dỗ" người văng tục ngay lập tức.

Khi con trẻ văng tục như một thói quen, lỗi đầu tiên do sự thiếu ý thức của người lớn. Chính sự im lặng của người xung quanh gần như tiếp tay cho những câu tục tĩu có đất diễn. Để hạn chế vấn nạn này, bản thân mỗi người hãy tập bỏ thói nói tục trước rồi hãy chấn chỉnh con cháu mình và những người trẻ khác. Điều gì đúng sẽ tạo ra giá trị thôi.

Trẻ cần những tấm gương

Có thể vì gia đình thiếu quan tâm giáo dục về lời ăn, tiếng nói ngay khi trẻ bắt đầu học nói. Hay người lớn trong nhà chưa thật sự làm gương, có khi văng tục thoải mái trước mặt con cháu, không kịp thời nhắc nhở, uốn nắn khi các em vi phạm, không phạt nghiêm khi tái phạm.

Tôi cho rằng nội dung môn giáo dục công dân cần thật sát với từng lứa tuổi. Đặc biệt với học sinh mầm non, tiểu học đang là tuổi "học ăn, học nói, học gói, học mở", thiết nghĩ môn học này phải chú trọng đúng mức việc rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ. 

Nội quy trường học nào cũng có quy định học sinh không được nói tục, chửi thề nhưng có khi phát hiện học trò vi phạm, có giáo viên làm ngơ, không nhắc nhở hay chấn chỉnh. Chưa kể học sinh phạm lỗi này nhiều lần cũng chưa được xử lý nghiêm, giáo dục đến nơi đến chốn với những biện pháp phù hợp.

Không phủ nhận trẻ bị tác động bởi môi trường giao tiếp từ trong gia đình, khu phố ra ngoài xã hội. Và cả tác động từ không gian mạng cũng có không ít điều tiêu cực ảnh hưởng đến học trò. Bản thân học sinh chưa nhận ra nói tục, chửi thề là một tật xấu do thấy nhiều người lớn nói rất bình thường.

Khó đổ lỗi cho bên nào. Điều cần phải là sự tổng lực hợp tác của gia đình - nhà trường - xã hội, quan trọng nhất vẫn là cái nôi gia đình. Rất cần những tấm gương sử dụng lời ăn tiếng nói văn minh từ chính người lớn trong nhà trên hành trình rèn giũa nhân cách, đạo đức, lối sống cho đứa trẻ lớn lên từng ngày.

Lắng nghe, chia sẻ hơn trách phạt

Đã thấy nguyên nhân, điều cần để ngăn chặn thói quen xấu này, theo tôi, cần sự chung tay của gia đình và nhà trường. Chắc chắn người lớn phải thay đổi thói quen nói tục, chửi thề để không làm gương xấu cho trẻ. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, chỉ cần giáo viên chủ nhiệm khéo léo đề cập và mời gọi phụ huynh cùng hỗ trợ, có thể hy vọng vào sự thay đổi của người lớn.

Dĩ nhiên, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện này. Ngoài nội quy cấm đã có, nhà trường nên lưu tâm hơn việc giáo dục đạo đức, hành vi cho học sinh qua những buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa. Kêu gọi học sinh "nói lời hay, làm việc tốt", kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh khi nghe trò văng tục.

Ở đây, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò rất quan trọng khi nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý của học sinh để kịp thời uốn nắn hành vi sai trái, suy nghĩ lệch lạc cho trò. Chắc là nên đổi mới tiết sinh hoạt lớp, giảm dần trách phạt, tiết sinh hoạt nên chăng biến thành những buổi trò chuyện, tâm tình giữa thầy và trò, cùng chia sẻ để giúp các bạn tuổi mới lớn thấy được tác hại của việc quen miệng nói tục, chửi thề và từ từ giúp các em thay đổi thói quen xấu này.

HOÀNG PHƯỚC

Diễn đàn Diễn đàn 'Không thể nói tục như một thói quen': Hay ho gì mà 'ra vẻ'!

TTO - Trong nhiều chia sẻ của bạn đọc gửi về, không ít ý kiến khẳng định chỉ là "ra vẻ" chứ thể hiện bản lĩnh gì với ngôn từ thô tục, không hay ho ấy.

Nguồn bài viết