Tập thói quen đọc sách từ nhỏ là cách nuôi dưỡng tâm hồn và ngôn ngữ văn minh cho trẻ - Ảnh: Q.L.
Chỉ ra nguyên nhân, cùng tìm giải pháp, các ý kiến đều có chung mong mỏi mỗi người, nhất là các bạn trẻ tự ý thức hơn lời ăn tiếng nói của mình. Tiếp đến sẽ hạn chế và dần loại bỏ thói quen nói tục làm xấu hình ảnh bản thân, ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt vốn được xem như hộ chiếu văn hóa để người Việt Nam bước ra thế giới.
Diễn đàn xin khép lại với chia sẻ của một thầy giáo, thạc sĩ tâm lý dưới dây.
Lời thô tục xuất phát từ miệng của đa dạng lớp người thì điều bất thường sẽ dễ trở thành bình thường. Im lặng trước cái sai, cái xấu lâu dài là tiếp tay cho nó bành trướng. Nói không với nói tục, chửi thề, nhất định có hành động cụ thể trước thói quen xâm hại đến sự trong sáng của tiếng Việt để trả lại cho ngôn ngữ "văn hóa, văn minh" vị trí cần có của nó.
Câu chuyện mắt thấy tai nghe
Một người quen của tôi ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) kể trong chuyến du lịch tự túc của mình, chị bức bối vô cùng khi ngồi chung xe với nhóm khách "đốp chát, đấu khẩu" nhau liên tục bằng những câu chửi thề thô tục.
Đáng nói, họ đều ở tuổi các bác, các chú cả nhưng văng tục như một thói quen thường ngày. Vậy con cháu lấy gì noi gương!
Bạn H.T. - một sinh viên - nói với tôi sau giờ học căng thẳng hay truy cập mạng xã hội hy vọng kiếm chút thời gian thư giãn nhưng lại rước thêm "cục tức" vào người. Mở mạng lên là các video livestream bán hàng online như nhảy múa trên màn hình điện thoại với đặc sệt kiểu ăn nói bỗ bã, giang hồ, tục tĩu.
"Nhiều người bán hàng mà ăn nói thô lỗ, chửi khách như chửi con, còn đe dọa khi khách phản ứng. Ngặt nỗi nhiều người còn tỏ ra hào hứng, thêm dầu vào lửa để được... nghe chửi" - T. nói.
Mới đây, trong một lớp kỹ năng sống, tôi phải dừng giảng để "chấn chỉnh" một nhóm học sinh THCS vì phát ngôn thiếu chuẩn mực, tục tĩu.
Điều đáng nói, phần lớn những bạn còn lại thay vì phản ứng hoặc phản ảnh với giáo viên, các bạn còn "cười ủng hộ", thậm chí vỗ tay tán đồng với thái độ bình thản "chẳng có gì phải xoắn lên".
Vì đâu nên nỗi?
Thực tế, việc nói lời thô lỗ, tục tĩu không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà ở cả người lớn, từ lao động chân tay, người sống ở nông thôn vốn quen nói năng thoải mái cho đến tầng lớp trí thức, công chức và cả giáo viên...
Hầu hết tính xấu, cách giao tiếp thô thiển trẻ có được trước 2 tuổi gần như xuất phát từ gia đình, từ giáo dục của cha mẹ, người thân. Chính vì cho rằng "trẻ con không biết gì" nên họ thản nhiên "làm gương xấu" cho trẻ khi nói năng thiếu ý tứ. Đứa trẻ không nghe, không tiếp xúc sớm với người nói tục sẽ hiếm khi nói tục, chửi thề khi lớn lên.
Tại trường, học sinh nào cũng được dạy, nghe phổ biến về nội quy trường lớp, trong đó có quy định không nói tục, chửi thề.
Tuy nhiên, việc giáo dục, rèn luyện và nhắc lại quy định diễn ra không thường xuyên, trẻ làm sai ít nhận được nhắc nhở hoặc có hình thức xử lý phù hợp. Chưa kể những tác nhân khác như bạn bè xấu, có khi một số nhân viên nhà trường nói chuyện thiếu chuẩn mực cũng tác động không nhỏ.
Tiếp cận với công nghệ quá sớm nhưng lại bỏ ngỏ kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, người lớn thiếu kiểm soát, thậm chí giao luôn điện thoại, máy tính cho con "muốn làm gì thì làm" để được rảnh tay.
Hệ quả là trẻ tò mò, thích thú và học theo phong cách lập dị, lối nói chuyện khiếm nhã, hành vi bất ổn của một bộ phận người dùng mạng.
Về bản chất, trẻ dưới 3 tuổi chỉ lặp lại lời nói tục, chửi thề như một kiểu "sao chép âm thanh", không để lại hậu quả xấu hay nguy hại vì trẻ chưa nhận thức được đó là lời nói xấu. Nhưng lớn hơn, khi nói vậy, trẻ sẽ bị đánh đồng là hư.
Điều này ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi, nhận thức của trẻ trong quá trình tiếp xúc với người khác. Trẻ có thể đánh giá mình có vị thế thấp, tự ti và phát triển theo hướng khép mình hoặc dễ chống đối, nổi loạn hơn.
Thấy sai thì phải sửa
Với trẻ, cần xác định nguyên nhân vì sao nói tục và tìm cách loại bỏ các tác nhân này càng sớm càng tốt.
Đặc biệt, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người có thói quen giao tiếp thô thiển, kém văn minh. Dạy trẻ điều nên và không nên nói, giải thích cho trẻ hiểu vì sao không nên nói tục kể cả khi tức giận, có thể đưa ra hình thức thưởng - phạt khi trẻ tuân thủ hoặc vi phạm.
Với cha mẹ, chắc chắn phải làm gương trong việc giao tiếp khéo léo, ôn hòa và văn minh. Hãy khéo léo và kiên quyết "góp ý" với người xung quanh khi nghe họ trò chuyện, giao tiếp kém văn minh với trẻ.
Giúp con hiểu từ ngữ thô tục có thể gây tổn thương, mất mát tình cảm của mình với người khác, và họ sẽ đánh giá thấp về mình. Song song đó, hướng dẫn con kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, tạo sức đề kháng cho con trước hành vi, lời nói thô thiển, kém văn hóa từ Internet.
Tôi cho rằng nhà trường cần thêm nhiều hơn các hoạt động tuyên truyền về văn hóa giao tiếp, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Hành xử văn minh chốn học đường bắt đầu từ sự nêu gương của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Cũng có thể là các buổi chia sẻ về kỹ năng sống của chuyên gia lồng ghép trong tiết sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần...
Khi đi học, nếu vẫn không cải thiện được thói quen nói tục, chửi thề hẳn nhiên bạn sẽ gặp rắc rối ít nhiều trong các mối quan hệ với xung quanh.
Phép so sánh nhỏ, một người trưởng thành vẫn quen nói tục, chửi thề với một người nói năng văn minh sẽ nhận lại sự quan tâm, yêu mến, đánh giá và sự tôn trọng, tin tưởng rất khác nhau.
Người ta có thể dựa vào các tiêu chí này để đánh giá trình độ văn hóa, nhân phẩm của một người. Hoặc có thể đưa ra các quyết định liên quan đến việc tuyển dụng, nâng lương, thăng chức hay đuổi việc, kết bạn hay tránh xa.
Vậy là thói quen nói tục, chửi thề có thể là lý do khiến việc học tập bị ảnh hưởng, công việc bị tác động tiêu cực, mối quan hệ kém bền vững, ngay cả trong quan hệ gia đình cũng có thể gặp xung đột...