Khó làm sạch F0 trong cộng đồng
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nếu so sánh với mục tiêu của Nghị quyết 86 đề ra là đến ngày 15/9 TP Hồ Chí Minh kiểm soát được dịch bệnh thì đến nay, Thành phố đã ghi nhận được những kết quả đáng mừng, rất tích cực; tuy nhiên, so với tiêu chí của Bộ Y tế đề ra, Thành phố vẫn còn một số nội dung chưa đạt.
“Chúng tôi biết mong muốn của người dân, doanh nghiệp và cả mong muốn của lãnh đạo Thành phố là được mở cửa, được phục hồi lại các sinh hoạt bình thường, những hoạt động kinh tế xã hội tốt nhất có thể. Những kết quả chúng ta đạt được có chuyển biến tích cực hơn nhưng chưa đạt được tiêu chí kiểm soát. Để bảo vệ kết quả này, chúng ta chịu khó một thời gian nữa để kết quả này bền vững hơn và khi mở cửa chúng ta yên tâm”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ.
Nói về tiêu chí mà Thành phố chưa đạt được trước ngày 15/9, ông Tăng Chí Thượng cho biết, một tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra rất khó đạt được, đó là yêu cầu số ca mắc trong tuần phải giảm liên tục so với 2 tuần trước đó, giảm 50% so với tuần mắc cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay số ca mắc mới của Thành phố đang đi theo đường nằm ngang, dao động ở mức 5.000-6.000 ca/ngày.
“Nếu căn cứ vào tiêu chí này thì Thành phố chưa đạt điều kiện chống dịch. Tuy nhiên, diễn tiến dịch tại thành phố đang theo chiều hướng khả quan”, ông Tăng Chí Thượng nói.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, với biến thể khó lường của chủng Delta, khó có thể làm sạch F0 trong cộng đồng mà chỉ có thể giảm ở một mức độ nào đó. Hiện TP Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để giảm F0.
Theo đó, Thành phố cũng sẽ làm việc với Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để tìm các tiêu chí phù hợp với biến thể Delta; cho dù có tính lại các tiêu chí nhưng bắt buộc tiêu chí tử vong phải được cải thiện trong mức độ chấp nhận được.
“Thẻ xanh COVID-19” + 5K và xét nghiệm
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, sinh hoạt của người dân trong thời gian sắp tới dựa trên tiêu chí an toàn để có thể giám sát và quản lý. Một trong những biện pháp đó là dựa trên "thẻ xanh COVID-19".
Theo đó, "thẻ xanh COVID-19" được phát triển trên ứng dụng di động và dựa trên thông số hệ thống dữ liệu. Tiêu chí cấp "thẻ xanh" này cho từng công dân sẽ được quy định bởi Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh. Chẳng hạn như tiêu chí về số mũi tiêm vaccine, xét nghiệm kháng thể...
Tuy nhiên, ông Tăng Chí Thượng cho rằng “thẻ xanh COVID-19” không thay thế cho hai giải pháp rất quan trọng đó là 5K và xét nghiệm. "Tránh hiểu lầm rằng người có "thẻ xanh COVID-19" thì không cần làm xét nghiệm và thực hiện 5K. Tiêm vaccine chỉ bảo vệ cho chính bản thân chúng ta, còn chúng ta vẫn mang virus trong người và hoàn toàn có thể lây cho người khác. "Thẻ xanh COVID-19" phải cộng với 5K và xét nghiệm theo đúng quy định Bộ Y tế”, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Vấn đề xét nghiệm kháng thể đối với F0 tự điều trị khỏi tại nhà nhưng không thông báo cho y tế địa phương để xem xét như điều kiện được cấp “thẻ xanh”, theo ông Tăng Chí Thượng, Bộ Y tế không có khuyến cáo làm xét nghiệm này. Việc xét nghiệm kháng thể hiện nay nhiều bệnh viện vẫn đang sử dụng nhưng kết quả này không đủ giá trị để khẳng định hay kết luận người đó đã mắc COVID-19 hay chưa. Hiện Sở Y tế đang bàn với các cơ quan liên quan tìm giải pháp cho các F0 khỏi bệnh nhưng không được ghi nhận tại y tế cơ sở.
"Những F0 tự điều trị khỏi tại nhà vẫn được coi là người bình thường và nên đi tiêm vaccine. Nếu thật sự người đó là F0 đã khỏi bệnh, có kháng thể thì chỉ lãng phí mũi tiêm chứ không có thêm tác dụng phụ nào khác", ông Tăng Chí Thượng cho biết.