Cử tri góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm

1 tháng trước 19

Kiến nghị điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75%

Trong các ngày từ 4 - 14/10,  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã có các buổi tiếp xúc cử tri huyện Thanh Ba, Lâm Thao và lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Việc làm, Luật Công đoàn (sửa đổi) trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo đến cử tri dự kiến chương trình, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; một số hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong thời gian qua; thông báo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại các kỳ họp trước.

Cử tri huyện Thanh Ba có ý kiến về tình trạng mất an ninh trật tự tại đoạn giao cắt giữa đường sắt và đường tỉnh 314C đoạn đi qua xã Mạn Lạn; một số tuyến đường giao thông và dự án trên địa bàn huyện chậm tiến độ, gây khó khăn cho đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân. Cử tri đề nghị, tỉnh hỗ trợ chế độ cho các cán bộ không chuyên trách ở khu dân cư sau khi nghỉ hưu...

Cử tri huyện Lâm Thao kiến nghị, sớm có phương án tháo gỡ, giải quyết, xử lý tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính để tránh tình trạng hư hỏng, xuống cấp gây lãng phí; đồng thời mong muốn tiếp tục có chế độ, chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ; có chế độ, chính sách hỗ trợ cho cựu quân nhân nhập ngũ, cựu thanh niên xung phong; rà soát, có phương án xử lý, giải quyết dứt điểm các dự án trì trệ, chậm tiến độ...

Góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), cử tri Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cho rằng, việc đưa quy định về quyền chủ động giám sát của Công đoàn vào dự thảo Luật lần này là rất cần thiết, giúp Công đoàn thuận lợi hơn khi thực hiện hoạt động giám sát, phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động; thực hiện tốt vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động. Cử tri đề nghị Quốc hội có quy định cụ thể, rõ ràng đối với các đơn vị, doanh nghiệp có từ 2.000 lao động trở lên bắt buộc phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác Công đoàn; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo các điều kiện cho Công đoàn hoạt động và có chế tài đủ mạnh khi doanh nghiệp cố tình vi phạm, không thực hiện...

Đối với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cử tri Liên đoàn Lao động các địa phương kiến nghị, Quốc hội cần quan tâm, tạo điều kiện, có quy định cụ thể cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn, đặc biệt là những trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... làm ảnh hưởng đến sản xuất, mất việc làm. Cử tri đề nghị, Quốc hội nghiên cứu có quy định để đảm bảo quyền lợi cho người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do bị công ty sa thải; điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm...

Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các địa phương, ngành liên quan đã trực tiếp giải đáp một số vấn đề thuộc thẩm quyền. Những nội dung khác được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp trình Quốc hội và chuyển đến các bộ, ngành chức năng xem xét giải quyết.

Xem xét tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ Công đoàn

Chú thích ảnhBà Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tiếp thu các ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Ngày 14/10, tại xã Gia Vân (huyện Gia Viễn), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri với cán bộ, đoàn viên, người lao động trên địa bàn.

Tại hội nghị tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã báo cáo đến cử tri dự kiến thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của cử tri là công nhân, người lao động về việc làm, thu nhập, đời sống cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật.

Chú thích ảnhCử tri Trần Việt Thơ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Winnercom Vina phản ánh ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Các cử tri là công nhân, người lao động, cán bộ Công đoàn các cấp đã có các câu hỏi liên quan đến Dự thảo Luật Việc làm, những quy định bảo hiểm thất nghiệp... Đối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), cử tri quan tấm đến các vấn đề như: những quy định về công tác cán bộ Công đoàn trong tình hình mới, thực hiện quyền giám sát của tổ chức Công đoàn, việc sử dụng kinh phí, quyền gia nhập Công đoàn của người lao động khu vực phi chính thức, nhà ở xã hội cho người lao động...

Chú thích ảnhCử tri Ngô Thị Hương Giang, Công ty TNHH Ever Great International, Cụm Công nghiệp Gia Vân, huyện Gia Viễn phản ánh ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Cử tri Lê Thị Hồng Lý, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Goryo Việt Nam cho rằng, trên thực thế, một bộ phận người lao động bị treo quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn… Do đó, Quốc hội cần có các quy định, chính sách cụ thể, hỗ trợ kịp thời để người lao động được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp đúng quy định, đảm bảo cuộc sống. Cử tri đề nghị, nghiên cứu tăng thời gian bảo lưu, hoặc thiết kế theo nguyên tắc đóng hưởng tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Liên quan đến đội ngũ làm công tác Công đoàn, cử tri Trần Việt Thơ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Winnercom Vina cho rằng, hoạt động Công đoàn rất cần đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở. Tuy nhiên hiện nay, cán bộ Công đoàn lại được tuyển dụng như công chức nhà nước, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán này trưởng thành từ cơ sở và phong trào công nhân. Cử tri đề nghị, Quốc hội xem xét tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ Công đoàn, để có thể thu hút đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở.

Cử tri Nguyễn Thị Ninh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sanico Việt Nam phản ánh, hiện nay, số lượng công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngày càng tăng; phần đông là lao động nữ trẻ, đang trong độ tuổi nuôi con nhỏ. Với mức thu nhập như hiện nay, khả năng mua được nhà ở của người lao động rất khó khăn. Do đó cử tri mong muốn, lãnh đạo tỉnh quan tâm, triển khai sớm các đề án, dự án xây nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa công nhân và trường mầm non cho con công nhân để người lao động yên tâm làm việc.

Chú thích ảnhĐại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình và Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình trao quà hỗ trợ cho các công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Tại hội nghị tiếp xúc, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành hữu quan, lãnh đạo huyện Gia Viễn đã giải đáp các câu hỏi, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền. Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, tâm tư của công đoàn viên, người lao động để trình Quốc hội cũng như các bộ, ngành tại Kỳ họp tới.

Dịp này, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình đã trao 100 suất quà (trị giá 1 triệu đồng/suất) cho các công đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Đề nghị quy định mức độ ưu tiên trong việc lập các loại Quy hoạch đô thị và nông thôn

Chiều 14/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn trình bày báo cáo đề dẫn giới thiệu sơ lược các dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; đồng thời gợi ý một số nội dung trọng tâm để cử tri cho ý kiến.

Đóng góp vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các ý kiến tập trung thảo luận, góp ý các nội dung như: hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; khái niệm đô thị mới và việc lập quy hoạch đối với đô thị mới; các trường hợp liên quan đến phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn; nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn...

Các đại biểu đề nghị xem xét quy định mức độ ưu tiên, mối quan hệ trong việc lập các loại Quy hoạch đô thị và nông thôn, nhất là mối quan hệ giữa Quy hoạch nông thôn đối với huyện, xã và quy hoạch đô thị đối với các thị xã, thị trấn, đô thị mới.

Đối với nhiệm vụ quy hoạch, các đại biểu kiến nghị chỉ lấy ý kiến đại diện cộng đồng; phân cấp cho UBND huyện phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch thị trấn và không phải xin ý kiến cơ quan chuyên môn quản lý về quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc UBND tỉnh…

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải ghi nhận và đánh giá cao 12 ý kiến góp ý của các đại biểu đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp, chuyển cơ quan soạn thảo xem xét, trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV...

Nguồn bài viết