Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau can thiệp mạch não và mạch vành - Ảnh: T.LŨY
Bệnh nhân là ông N.V.B. (72 tuổi, ở Kiên Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng hạ huyết áp, liệt nửa người bên phải, đồng thời bị đau ngực, vật vã, đổ mồ hôi, tay chân lạnh...
Tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp (theo dõi tắc mạch máu lớn nội sọ), đồng thời bị nhồi máu cơ tim cấp (giờ thứ 5) huyết động ổn định.
Sau hội chẩn, quyết định can thiệp mạch não trước cho người bệnh, các bác sĩ phát hiện bị tắc động mạch cảnh trong nên dùng dụng cụ lấy ra nhiều huyết khối, sau can thiệp đã thông được hoàn toàn động mạch cảnh trong.
Tiếp theo, người bệnh được chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu. Kết quả ghi nhận tắc hoàn toàn động mạch vành phải (đoạn giữa) và huyết khối. Các bác sĩ đã can thiệp thành công bằng stent phủ thuốc.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Phong - phó giám đốc bệnh viện đồng thời là giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, nhồi máu cơ tim và nhồi máu não đều là những tình trạng cấp cứu khẩn. Khoa học chứng minh được nhồi máu cơ tim làm tăng nguy cơ nhồi máu não và ngược lại.
Tuy nhiên, việc một bệnh nhân có đồng thời nhồi máu cơ tim và nhồi máu não là rất hiếm, ước tính chỉ gặp trong 0,009% dân số. Do cả hai bệnh lý đều là trường hợp cần can thiệp nhanh, nên việc can thiệp điều trị nhồi máu não hay nhồi máu cơ tim trước là việc cần tính toán kỹ.
"Việc điều trị tình trạng nào trước cũng sẽ làm trì hoãn việc điều trị tình trạng còn lại, trong khi cả hai đều là cấp cứu. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ở những bệnh nhân huyết động không ổn định thì nên được can thiệp nhồi máu cơ tim trước", bác sĩ Phong nói.
Theo bác sĩ Phong, khi nhận thấy người thân có những biểu hiện như đau tức ngực, khó thở… (biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp) hoặc méo miệng, đi lại khó khăn, yếu liệt, rối loạn ngôn ngữ, tri giác… (biểu hiện của đột quỵ não), cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được can thiệp kịp thời.