Nhiều cổ phiếu đầu cơ đang có thanh khoản trở lại sau hơn một tuần nằm sàn, mất thanh khoản. Tuy nhiên việc mua vào vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong ảnh: nhân viên một công ty chứng khoán đang theo dõi thị trường - Ảnh: BÔNG MAI
Mở đầu phiên giao dịch chứng khoán ngày 20-1, nhiều cổ phiếu "họ FLC" đang gây chú ý khi có thanh khoản trở lại. Trong khi gần chục phiên vừa qua cả mã FLC và hàng loạt mã khác cũng bị liên đới rớt giá, nằm sàn, mất thanh khoản sau khi ông Trịnh Văn Quyết thực hiện phi vụ "bán chui" cổ phiếu FLC (ngày 10-1).
Trong 7 thành viên thuộc "họ FLC", hiện có bốn thành viên tiếp tục bị nằm sàn, trắng bên mua gồm: FLC (Tập đoàn FLC, 12.100 đồng), ROS (Xây dựng FLC Faros, 8.460 đồng), HAI (Nông dược H.A.I, 5.570 đồng) và AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone, 5.790 đồng).
Ba thành viên còn lại gây chú ý khi thoát khỏi tình cảnh mất thanh khoản, gồm: GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) rớt xuống quanh mốc giá 195.100 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn nằm trong sắc đỏ, phần ART (Chứng khoán BOS) và KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) đứng giá 10.000 đồng và 5.800 đồng/cổ phiếu.
Như vậy từ sau phiên ông Quyết "bán chui" đến nay, phần lớn các mã "họ FLC" đã bị âm khoảng 44% giá trị trở lên.
Với diễn biến có thanh khoản trở lại trong phiên hôm nay, nhiều nhà đầu tư cho biết quyết định tranh thủ để bán ra và cắt lỗ, số khác lại mua thêm vào.
"Hơn tuần nay ôm chết cứng mấy con 'họ FLC'. Nay rục rịch quay xe rồi, mình đang nghĩ cách gom tiền để mua thêm, trung bình giá", anh Thắng (nhà đầu tư) chia sẻ.
Trong nhiều nhóm chứng khoán trên Zalo cũng thảo luận về việc tranh mua vào, nắm giữ trong vài ngày rồi bán ra liền.
Không chỉ "họ FLC" mà hàng loạt cổ phiếu bất động sản như CEO (Tập đoàn C.E.O), DIG (Đầu tư phát triển xây dựng), HQC (Địa Ốc Hoàng Quân), HAR (Bất động sản An Dương Thảo Điền)... cũng đang nhận được lực mua, thoát cảnh nằm sàn.
Trong khi những phiên trước, hàng loạt mã cổ phiếu bất động sản đều bị giảm sàn, ế ẩm, sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm đi kèm cảnh báo của thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sẽ siết dòng tín dụng vào nhóm bất động sản.
Quan sát diễn biến giao dịch, lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn cho biết đã dự đoán trước việc các cổ phiếu đầu cơ sẽ được "giải cứu" khỏi tình trạng mất thanh khoản. Tuy nhiên pha "giải cứu" ngay trong hôm nay lại có phần sớm hơn 1-2 ngày so với dự đoán.
"Tuy nhiên việc 'giải cứu' này nhiều khả năng cũng chỉ là câu chuyện kích cầu vào, mua mồi để thoát hàng hơn là hình thành xu hướng đầu cơ mới. Vì vậy việc lướt sóng hay bắt đáy nhóm này là mạo hiểm", vị chuyên gia cho hay.