Nhiều cổ phiếu vẫn bị giảm mạnh trong khi thị trường chứng khoán tăng. Quản trị rủi ro là cách nhà đầu tư tồn tại lâu dài trên thị trường - Ảnh: B.MAI
Mặc dù nền kinh tế trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 mạnh, nhưng giới đầu tư chứng khoán Việt lại chứng kiến chỉ số VN-Index chinh phục ngưỡng 1.500 điểm - cao nhất mọi thời đại.
Từ đầu năm 2021 đến nay, VN-Index tăng hơn 34% so với năm trước, top thị trường mang lại tỉ suất sinh lời cao bậc nhất thế giới.
Tuy nhiên, niềm vui không đến với tất cả nhà đầu tư. Cũng trong lúc đó, nhiều cổ phiếu lại bị rớt giá mạnh như VNM (Vinamilk, -22%), HNG (Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, -28%), GTNFoods (GTN, -26%), APH (An Phát Holdings, -54%), YEG (Tập đoàn Yeah1, -59%)...
Nhiều cổ phiếu dòng ngân hàng như VPB, TCB (Techcombank), Sacombank (STB)... cũng bị giảm giá mạnh, tài khoản không ít nhà đầu tư vẫn chưa hòa vốn.
Song song đó, dòng cổ phiếu thép cũng gây chú ý, sau khi lập đỉnh vào cuối tháng 10, đến nay đã giảm mạnh 25-30% giá trị, trong đó có HPG (Hòa Phát), HSG (Hoa Sen), Thép Nam Kim (NKG)...
Từ trái sang: Chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Linh, Nguyễn Hoàng Bích Ngọc và Lê Quang Minh - Ảnh: B.MAI
"Kể cả cổ phiếu có nền tảng tốt nhưng nếu mua không đúng thời điểm cũng bị giảm giá mạnh" - ông Nguyễn Duy Linh, giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán Mirae Asset, chia sẻ tại hội thảo "Nhận diện cơ hội và rủi ro 2022" vừa được tổ chức hôm nay 18-12.
Bám sát thị trường chứng khoán, ông Linh nhận định: "Rủi ro luôn tồn tại, chỉ có thể triệt tiêu rủi ro nếu không tham gia đầu tư. Do đó, mục tiêu của nhà đầu tư là phải giữ được tiền đã kiếm được, sửa chữa khi mắc sai lầm, mặc dù rất quan trọng nhưng những điều này lại ít được quan tâm".
Bên cạnh việc chọn doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, chọn đúng thời điểm để mua cổ phiếu, một trong những yếu tố cơ bản ông Linh đưa ra để giúp quản trị rủi ro là áp dụng mức cắt lỗ tối đa 7-8%, vì "chúng ta nghĩ sẽ bán khi cổ phiếu quay lại hòa vốn. Nhưng một khoản lỗ lớn bắt đầu bằng một khoản lỗ nhỏ. Thua lỗ càng lớn thì càng khó để trở về điểm hòa vốn".
Rõ ràng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận bán cổ phiếu đi khi đang bị lỗ, vì báo cáo tài chính cho biết đó là "công ty đẹp để đầu tư", đặt tâm huyết khi mua. Tuy nhiên, cắt lỗ kịp thời và chuyển sang tìm cơ hội ở cổ phiếu khác là điều nên làm. Kể cả nhà đầu tư dài hạn cũng cần phải "cài" ngưỡng cắt lỗ của riêng mình, để quản trị rủi ro.
"Mọi nguyên tắc trong đầu tư đều vô nghĩa nếu chúng ta không tuân thủ kỷ luật", ông Linh cho hay.
Vì thị trường luôn luôn đúng, nên ông Lê Quang Minh - giám đốc phân tích MAS - cũng cho rằng cần phải chấp nhận việc "cổ phiếu thân yêu có vốn hóa lớn nhưng giảm giá rất mạnh".
Điển hình, vào tháng 7 khi VN-Index đang tăng mạnh, nhưng đơn vị bị "ăn rất nhiều gạch đá" vì dự báo thị trường sẽ giảm và sự thật VN-Index đã điều chỉnh giảm 14%.
Về thị trường hiện nay, theo ông Minh, đang rơi vào trạng thái "buồn ngủ". Song qua tháng 1-2022, khi các công ty chứng khoán dự kiến nới cho vay ký quỹ margin, có thể sôi động hơn.
"Đầu tư chứng khoán cũng giống đi săn. Có lúc phải khiêm tốn, ẩn mình chờ thời, khi nào thấy cơ hội đến thì mới ra. Không kiên nhẫn thì không chịu đựng được thị trường này", ông Minh cho hay.
Về năm 2022, các chuyên gia cho biết môi trường kinh tế vĩ mô được kỳ vọng tốt hơn thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Tốc độ tiêm vắc xin tăng nhanh và chiến lược sống chung với COVID-19 sẽ giúp nền kinh tế phục hồi.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục dồi dào.
Do đó dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11-2021.
Tuy nhiên, rủi ro là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, các biến chủng COVID-19 mới gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Dù vậy, với tầm nhìn tăng giá dài hạn, nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội mua tích lũy các cổ phiếu tốt.
"Chúng ta không thể chiến thắng thị trường bằng rất nhiều tiền. Vì vậy càng tận dụng cơ hội thì rủi ro ít hơn, cơ hội thắng cao hơn. Năm 2022 rủi ro có, nhưng cơ hội vẫn còn", ông Minh chia sẻ.