Cổ phiếu HAG của bầu Đức có bị hủy niêm yết?

2 năm trước 207
Cổ phiếu HAG của bầu Đức có bị hủy niêm yết? - Ảnh 1.

Hoàng Anh Gia Lai lên kế hoạch lãi sau thuế 1.120 tỉ đồng năm 2022, tập trung trồng chuối và chăn nuôi heo - Ảnh: HAG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 16-2, ông Võ Trường Sơn - tổng giám đốc CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) - cho biết doanh nghiệp đang làm việc với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) về sự việc liên quan, đang chờ kết luận chính thức.

Nhà đầu tư lo quyền lợi bị ảnh hưởng

"Hơn 10.000 cổ phiếu HAG được mua trong mấy phiên đầu năm mới vừa về đến tài khoản, lại nghe lùm xùm thông tin cổ phiếu có nguy cơ hủy niêm yết khiến cho giá cổ phiếu này giảm mạnh. Tôi không hiểu thông tin đó từ đâu ra, vì mục đích gì, vì muốn hủy niêm yết cổ phiếu nào, cơ quan chức năng cũng cảnh báo trước chứ", nhà đầu tư Nguyễn Minh Khôi bức xúc.

Trước đó, ngày 14-2, trong "đơn kêu cứu" được gửi đến các cơ quan chức năng, một nhóm cổ đông của HAGL cho biết đang sở hữu khá nhiều cổ phiếu HAG và đã bị thiệt hại rất lớn vì cổ phiếu giảm sâu, sau khi trên thị trường lan truyền thông tin cổ phiếu HAG sẽ bị hủy niêm yết do bị lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019.

Trong khi đó, theo "đơn kêu cứu", "thông tin HAGL thua lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019) đã được công bố từ tháng 3-2021. Và trong hơn 10 tháng qua, cơ quan chức năng không có bất cứ động thái nào để cảnh báo cho nhà đầu tư về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu này. Do đó, nếu cơ quan chức năng ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu HAG tại thời điểm này là không tuân theo trình tự pháp luật về công bố thông tin theo quy trình hủy niêm yết".

Ông Nguyễn Ngọc Minh, người đại diện cho nhóm cổ đông đứng tên trong "đơn kêu cứu", cũng cho rằng việc hủy niêm yết cổ phiếu HAG (nếu có) trong thời điểm này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho cổ đông hiện hữu, đặc biệt những người đã mua cổ phiếu HAG trong năm 2022, khi yếu tố pháp lý để hủy niêm yết cổ phiếu này không có vì doanh nghiệp này có lãi trong năm 2021 và triển vọng rất tốt trong năm nay.

Nhiều cổ đông cũng cho rằng do nhận thấy HAGL đã "hồi sinh", năm 2021 có lãi trở lại và kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 gấp nhiều lần so với năm 2021 nên đã đầu tư vào cổ phiếu này. 

"Vì vậy, nếu cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra từ những năm trước, quyền lợi của các cổ đông hiện hữu - những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu HAG vì kỳ vọng tương lai chứ không hề có trách nhiệm về những tồn đọng trước đó - sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", một nhà đầu tư nói.

Theo báo cáo tài chính (chưa kiểm toán), trong năm 2021 HAGL ghi nhận lãi sau thuế 120 tỉ đồng. Năm 2022 doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.820 tỉ đồng và lãi sau thuế 1.120 tỉ đồng, nhờ tập trung vào 2 lĩnh vực đang làm ăn rất tốt là trồng chuối và chăn nuôi heo.

"Không thể hủy niêm yết"

"Căn cứ vào luật thì không thể xảy ra trường hợp cổ phiếu HAGL bị hủy niêm yết trên HoSE. Do đó, tôi không hiểu tại sao gần đây lại xuất hiện giả định trường hợp bị hủy niêm yết sẽ xảy ra", luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định.

Theo luật sư Truyền, HAGL bị lỗ sau thuế 3 năm liên tiếp là 2017, 2018 và 2019 (sau khi xác định có sự khác biệt giữa báo cáo tài chính của doanh nghiệp và kiểm toán). Do đó, phải căn cứ theo luật được áp dụng vào thời điểm xảy ra lỗ lũy kế. 

Dù nghị định 58/2012 quy định về việc hủy bỏ niêm yết trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ trong 3 năm liên tục, nhưng chỉ xét theo nội dung của báo cáo tài chính kiểm toán hằng năm được công bố, chứ không bao gồm việc doanh nghiệp phát hiện lỗ và điều chỉnh lại kết quả kinh doanh sau đó.

Ngoài ra, tại thời điểm lập báo cáo tài chính của HAGL cho các năm 2017, 2018 và 2019 trước đây có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Nhưng nội dung này chỉ mới được quy định tại nghị định 155/2020 và chỉ bị xử lý hủy bỏ niêm yết từ ngày 1-1-2022 (khoản 12 điều 310 nghị định 155/2020), tức nghị định 155/2020 không thể áp dụng trong trường hợp trên của HAGL.

"Theo luật thì không thể hủy niêm yết được", luật sư Truyền nhấn mạnh và cho rằng nhà đầu tư không nên đặt giả định sẽ bị hủy niêm yết, trừ khi có văn bản chính thức từ cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích chiến lược Chứng khoán Yuanta VN - cũng cho rằng về cơ bản, luật pháp phải bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp HAGL bị lỗ 3 năm liền do hồi tố sửa lại kết quả kinh doanh đã xảy ra trong quá khứ, trong khi doanh nghiệp đang có lợi nhuận. 

Việc hủy niêm yết không những không mang lại lợi ích gì mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư hiện tại - những người mua cổ phiếu khi doanh nghiệp công bố lãi và kỳ vọng vào tương lai tươi sáng.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Võ Trường Sơn - tổng giám đốc HAGL - cho biết HAGL đang trong quá trình làm việc chuyên môn với HoSE, SSC. Việc gửi đơn trình bày sự việc và kiến nghị áp dụng điều kiện thử thách là theo nguyện vọng của cổ đông.

"HAGL thấy cách cổ đông tiếp cận như vậy cũng hợp lý, phản ánh đúng tình hình. HAGL còn chờ thêm thời gian để cơ quan chức năng có kết luận tương đối rõ ràng hơn, thuận lợi, rồi mới công bố thông tin", ông Sơn nói.

Cũng theo ông Võ Trường Sơn, HAGL chưa đưa ra quan điểm riêng nào liên quan đến việc "đơn kêu cứu" của các cổ đông. Tuy nhiên, lãnh đạo HAGL luôn luôn đồng hành, bảo vệ lợi ích của cổ đông từ xưa giờ, trong cách làm việc cũng giữ tinh thần hợp tác, kiên nhẫn, tích cực.

"Mong muốn mang đến lợi ích cuối cùng của cổ đông nói riêng và xã hội nói chung là điều tối thượng HAG hướng tới trong công việc kinh doanh, bóng đá. Hủy niêm yết không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông mà còn là sự xáo trộn của thị trường, là khía cạnh nhiều cổ đông và thị trường quan ngại", ông Sơn chia sẻ.

Trồng chuối nuôi heo, bầu Đức đặt kế hoạch lợi nhuận nghìn tỉ, trả hết nợTrồng chuối nuôi heo, bầu Đức đặt kế hoạch lợi nhuận nghìn tỉ, trả hết nợ

TTO - Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Công ty Hoàng Anh Gia Lai, cho biết năm 2022 sẽ đưa ra thị trường 400.000 con heo thịt chuyên ăn chuối, qua đó xây dựng thương hiệu sản phẩm của công ty tới tay người tiêu dùng.

Nguồn bài viết