Chị Hồng hỏi han, chăm sóc người chạy thận - Ảnh: CHÍ CÔNG
“Ở đây mọi người như gia đình, thương yêu, giúp đỡ nhau. Chúng tôi được lo ăn ở và chở đi chạy thận miễn phí. Vợ chồng cháu Hiền nhiều khi còn cho tiền. Ơn nghĩa này tui không biết sao đền đáp” - cụ Vàng, bệnh nhân chạy thận đã 12 năm, trải lòng.
Cụ ông Phạm Văn Vàng (83 tuổi, huyện Mang Thít, Vĩnh Long) là một trong hơn 20 bệnh nhân chạy thận, hiện đang nương nhờ mái ấm của anh Trần Văn Hiền (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kim Hồng (43 tuổi) ở thị xã Bình Minh, Vĩnh Long.
Nếu vì sợ đàm tiếu lo chuyện bao đồng mà dừng việc thiện thì thiệt thòi nhất vẫn là người bệnh. Tính toán chi, bà con vui thì mình cũng vui mà.
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng
Chăm lo cho... người dưng
Đều đặn mỗi sáng, chị Nguyễn Thị Kim Hồng đều tạt ngang khu chợ gần nhà để mua đồ ăn cho người chạy thận. Ngay khi thấy chị bước đến cổng chợ, các tiểu thương đã gọi nhau í ới, hùn bó rau, miếng thịt, con cá để cải thiện thêm bữa ăn cho người chạy thận.
"Hồi đầu đi chợ, mọi người hay thắc mắc là nhà có mấy người mà sao mua nhiều đồ ăn vậy. Sau này hiểu được việc thiện mình làm nên mọi người cứ giúp đỡ, hùn hạp thêm" - chị Hồng chia sẻ.
Đi chợ xong, chị Hồng tức tốc về chỗ ở của những người chạy thận để đưa thức ăn. Đó là khu nhà tiền chế cất trên diện tích khoảng 200m2, được chia làm 4 phòng với khoảng 40 giường gồm 3 phòng cho người chạy thận, thân nhân và 1 phòng cho người neo đơn. Không gian rộng rãi, thoáng đãng với đầy đủ giường, tủ, nhà vệ sinh sạch sẽ...
Tâm sự cơ duyên cất nhà cho người chạy thận, neo đơn, anh Trần Văn Hiền bộc bạch: một lần vào Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ thấy người chạy thận phải nằm hành lang. Người chạy thận vốn sức khỏe suy kiệt, phải sinh hoạt trong điều kiện như thế khiến anh mủi lòng.
Về bàn với vợ, cả hai đồng lòng cất nhà cho người chạy thận ở. Do Bình Minh cũng gần TP Cần Thơ, chỉ qua cầu Cần Thơ là tới nên dựng nhà tại đây sẽ giúp người chạy thận bớt vất vả di chuyển.
Đôi vợ chồng lấy tiền dành dụm để cất nhà. Hôm họ qua bệnh viện để vận động bệnh nhân chạy thận vào ở miễn phí, ai cũng mừng mừng tủi tủi. "Chúng tôi rước về đây, lo cơm nước rồi qua lại hỏi han, động viên. Mọi người bắt đầu tin tưởng, bệnh nhân về đông hơn. Hiện nay thì không khác gì một gia đình, ai có món gì ngon cũng chia sẻ cùng nhau" - anh Hiền chia sẻ.
Hiện chị Hồng mở một tiệm tạp hóa tại nhà, còn anh Hiền lái xe cuốc, xe cẩu thi công công trình. Tiền bạc từ công việc, cả hai đều dành lại để giúp những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, anh chị còn vận động nhà hảo tâm chung tay giúp người chạy thận vượt qua nghịch cảnh.
"Cũng may mắn là có nhiều người hiểu được ý nghĩa việc mình làm, cùng chung sức thiện nguyện để gắn bó lâu dài với những hoàn cảnh khó khăn" - chị Hồng tâm sự.
Bệnh nhân chuyện trò, sẻ chia thức ăn với nhau ở mái ấm - Ảnh: THÀNH NHƠN
Chúng ta là một gia đình
Hôm tôi ghé mái ấm tại phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, nơi cưu mang người nghèo khó, bệnh tật nhưng không bao giờ thiếu tiếng cười. Cảnh mọi người chuẩn bị bữa ăn, chộn rộn nói cười khiến nỗi đau bệnh tật phần nào nguôi ngoai. Trái đu đủ chín, mấy trái quýt hồng được chia sẻ với nhau như động viên cùng vượt khó.
Mỗi hoàn cảnh tá túc trong mái ấm mang trong mình một chuyện đời. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau như Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ nhưng đều đang chiến đấu với bệnh tật để giành giật sự sống.
Đã 12 năm, bà Nguyễn Thị Bé (70 tuổi) theo chồng là cụ ông Phạm Văn Vàng (83 tuổi) trên hành trình chạy thận. Những ngày đầu ở TP.HCM rồi Cần Thơ, Vĩnh Long... chưa khi nào bà rời ông nửa bước. Căn bệnh khiến tay ông nổi nhiều u cục và đều đặn cứ hai ngày lại phải đi chạy thận một lần. Mảnh ruộng vài công ở quê nhà Mang Thít của họ cũng phải bán để trị bệnh.
"Lúc trước tui rửa chén mướn, ngày kiếm được 50.000 đồng lo cho ổng. Vài năm trở lại đây, mắt bị cườm, yếu hẳn nên không còn làm gì được. Mấy đứa con nghèo khổ hết nên không giúp gì được, cũng may có vợ chồng Hiền và các nhà hảo tâm đỡ đần. Không có nó chắc tụi tui không cầm cự được đến giờ" - bà Bé rơm rớm nước mắt tâm sự.
Nhìn cơ thể với hàng trăm vết lở lớn nhỏ của anh Phạm Văn Hòa không khỏi xót xa. Bệnh tật khiến chàng trai quê khỏe mạnh thay vì gắn bó ruộng vườn thì nay lại phải nằm trên giường bệnh. Sáu năm qua, mỗi tuần anh đều sang Cần Thơ 3 lần để chạy thận.
"Mỗi lần chạy thận khoảng 3 tiếng rưỡi đến 4 tiếng, còn sống được ngày nào thì quý ngày đó. Thỉnh thoảng thấy cơ thể yếu thì đi truyền đạm. Lâu lâu thấy sức khỏe ổn chút thì về nhà thăm gia đình rồi trở lại đây ở" - anh Hòa chia sẻ.
Tuy bà Nguyễn Thị Kiều Bảy (50 tuổi, quê Trà Ôn) chỉ mới về mái nhà chung gần nửa năm nhưng đều được mọi người quý mến. Bà không có người thân chăm sóc, phải tự mình lo sinh hoạt hằng ngày. Đôi tay người phụ nữ đầy những chỗ lồi lõm uốn sóng, nổi u cục. Nghe người ta kháo nhau có chỗ ở miễn phí cho người chạy thận, bà gặp vợ chồng anh Hiền và xin tá túc.
"Nhiều khi người mệt lả nhưng tui chưa bao giờ bỏ cuộc cả. May mắn là có vợ chồng Hiền giúp đỡ" - bà Bảy nói giọng run run.
Vừa dứt tâm sự, bà Bảy cùng những bệnh nhân khác vội vã sang Cần Thơ chạy thận. Hành trình níu kéo sự sống từ lòng yêu thương, sẻ chia.
Vớt người trên sông Hậu
Ngoài dựng mái ấm cho người chạy thận, người neo đơn, anh Hiền còn là thành viên đội cứu hộ trên sông Hậu. Anh đã tham gia nhiều vụ, đưa nạn nhân về nhà và lo chi phí vận chuyển, hậu sự. Với bệnh nhân chạy thận qua đời mà không có người thân bên cạnh, anh cũng giúp chi phí mai táng.
"Không phải ruột thịt nhưng thấy một người qua đời, lòng lại dâng lên nỗi buồn. Gắn bó như gia đình nên bất kỳ ai ra đi cũng xót xa. Tui sẽ làm việc này đến khi nào còn có thể" - anh Hiền chia sẻ.