Sau 10 ngày mắc COVID-19, ông M.T.H. (86 tuổi) bắt đầu xuất hiện đau tức, sưng phù bắp chân phải, chuột rút bắp chân. Ông H. được đưa tới Bệnh viện Hữu Nghị thăm khám, các bác sĩ phát hiện có huyết khối tĩnh mạch đùi bên phải đang lan rộng.
Tương tự, một bệnh nhân nam 81 tuổi tại Hà Nội đã phải vào viện cấp cứu vì đau bụng hạ sườn trái. Kết quả siêu âm không có biểu hiện đặc biệt nhưng chụp cắt lớp vi tính ổ bụng phát hiện nhồi máu lách. Khai thác tiền sử, bệnh nhân bị COVID-19 mới khỏi cách đây 2 tuần.
Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương (TP.HCM) cũng đã tiếp nhiều bệnh nhân xuất hiện hoại tử xương hàm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương - cho biết y văn thế giới có 4 yếu tố nghi ngờ dẫn đến viêm hoại tử xương hàm mặt, xương sọ, trong đó có giả thuyết có thể do COVID-19 bám vào thụ thể ACE-2, tập trung nhiều ở niêm mạc mũi, miệng, làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm trên.
Người mắc COVID-19 gặp tình trạng tăng đông, gây tắc mạch máu không nuôi dưỡng tốt xương. Tuy nhiên, đa số các ca mắc đều có bệnh nền, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, có hệ miễn dịch yếu.
Bác sĩ Bùi Long - trưởng khoa tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị - cho biết các ca bệnh máu đông bất thường có tiền sử mắc COVID-19 và có các bệnh lý nền liên quan đến tim mạch, bệnh mãn tính về huyết áp cao, xơ vữa động mạch, rối loạn đông máu tiềm ẩn... có nguy cơ xuất hiện máu đông cao hơn.
"Khi người bệnh nhiễm virus, hệ thống miễn dịch trong cơ thể sẽ tự động phản ứng lại với các tác nhân lạ, gây một số rối loạn trong cơ thể, trong đó có rối loạn về đông máu. Đây là phản ứng chung của cơ thể khi bị nhiễm virus. COVID-19 có tác động nhiều trên hệ tim mạch, đặc biệt là mạch máu, khiến các tế bào nội mạc mạch máu biến thành các cục máu đông, dẫn tới tắc mạch máu bất thường", BS Long lý giải.
Theo ông Long, triệu chứng, biểu hiện của tình trạng đông máu liên quan đến cơ quan đích của mạch máu bị tổn thương. Tắc mạch máu não sẽ gây triệu chứng đột quỵ, đau đầu, ngất xỉu, yếu nửa người, thậm chí hôn mê. Tắc động mạch vành tim gây cơn đau thắt ngực, mệt xỉu, tụt huyết áp.
Tắc các mạch tạng trong ổ bụng sẽ gây những cơn đau bụng bất thường mà siêu âm ổ bụng không thể phát hiện được. Tắc mạch chi gây hoại tử, ảnh hưởng vận động, chi lạnh và tím, đau nhức.
"Người bệnh cần theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể để đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời", BS Long khuyến cáo.
Không nên dựa vào COVID-19 để tự "chẩn đoán" bệnh
Theo bác sĩ Bùi Long, hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy hiệu quả của việc sử dụng thuốc dự phòng để chống đông máu cho bệnh nhân COVID-19. Cũng không phải chỉ có những bệnh nhân mắc hậu COVID-19 mới xuất hiện đông máu.
"Sau khi số lượng lớn người dân mắc COVID-19, nhiều người bệnh gì cũng đổ do hậu COVID-19. Tôi nghĩ việc này là không nên. Đặc biệt sau khi chúng ta đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, thời gian gần đây các bệnh nhân gặp biến chứng sức khỏe sau COVID-19 cũng đã giảm", ông Long nói.