Cần quan tâm, giải quyết triệt để bãi rác tự phát tại ấp Sơn Phú 2A

1 năm trước 79
Chú thích ảnhRác thải vứt đầy bên đường ấp Sơn Phú 2A, gần cầu Út Quế, xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang). Ảnh: Hồng Dân/TTXVN phát

Rác tại đây ngày càng nhiều gây ô nhiễm môi trường và làm mất cảnh quan; trong đó có số lượng lớn rác thải là thủy tinh gồm: mảnh chai, kính vỡ, bóng đèn... đã được tập kết trước Nhà Văn hóa ấp gây nguy hiểm cho trẻ em vui chơi tại đây. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa quan tâm và giải quyết triệt để tình trạng này.

Theo UBND xã Tân Thành, đoạn gần cầu kênh Út Quế, ấp Sơn Phú 2A phát sinh bãi rác tự phát gồm rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải là thủy tinh. Hiện nay, phòng Quản lý đô thị thành phố Ngã Bảy đã có hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công trình đô thị Hậu Giang để thu gom rác thải sinh hoạt trên. Tuy nhiên, Công ty này không thu gom loại rác thải thủy tinh. UBND xã đã đề nghị phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Ngã Bảy, phòng Quản lý đô thị Ngã Bảy sớm thu gom và xử lý loại rác là thủy tinh theo quy định.

Trong khi đó, theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Ngã Bảy, thực hiện Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 6/4/2022 của UBND tỉnh về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh, thủy tinh thuộc nhóm chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế, tái sử dụng. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn thành phố chưa có cơ sở thu gom tái sử dụng, tái chế đối với chất thải này.

Việc thu gom, vận chuyển sẽ được giao cho đơn vị chức năng, cụ thể là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình đô thị Hậu Giang - Chi nhánh số 4 (trực thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang) thực hiện theo hợp đồng ký kết do phòng Quản lý Đô thị thành phố làm chủ đầu tư. Vì vậy, việc vận chuyển số rác nêu trên không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, thực hiện Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải sản xuất nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiêu chí văn minh đô thị; cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn, hướng đến xây dựng Hậu Giang “xanh - sạch - đẹp”.

Hậu Giang đặt mục tiêu 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; 50% gia đình ở nội ô đô thị lớn (thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ) thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 50% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, riêng đối với các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên.

Tuy nhiên, tại xã nông thôn mới nâng cao Tân Thành, cũng là địa phương đang phấn đấu xây dựng xã kiểu mẫu trong năm 2023, rác thải vẫn bị vứt đầy bên đường và chưa được chính quyền thực sự quan tâm, xử lý triệt để.

Nguồn bài viết