Các doanh nghiệp tại TP.HCM đang nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh, song cần những sự trợ lực để giúp quá trình phục hồi nhanh sau đại dịch - Ảnh: NGỌC HIỂN
Sau 4 làn sóng dịch bệnh liên tiếp, nền kinh tế Việt Nam đã "thấm đòn" trên diện rộng khi cả hộ kinh doanh, doanh nghiệp quy mô nhỏ đến các tập đoàn đều bị cuốn vào vòng xoáy đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, khi các biện pháp phong tỏa trên diện rộng được áp dụng trong thời gian dài đã kéo theo sự sụt giảm của nền kinh tế khiến các địa phương tăng trưởng thấp, thậm chí âm.
Những số liệu thống kê mới nhất của Tổng Cục Thống kê đã cho thấy nhiều lĩnh vực đã giảm tăng trưởng, từ tổng mức bán lẻ hàng hóa, đến doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều giảm.
Trung bình mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 11 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52.100 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước và có gần 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%.
Đánh giá tác động của đại dịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng dịch COVID-19 không chỉ lấy đi sinh mạnh của con người Việt mà cả sinh mệnh của doanh nghiệp Việt.
Trong đó, đằng sau mỗi doanh nghiệp phải ngưng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh kế.
Riêng tại TP.HCM, đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng cho rằng hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tê liệt, đóng cửa, ngừng kinh doanh trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, kéo theo nhiều hệ lụy đến tốc độ phục hồi của doanh nghiệp lẫn kinh tế TP.
Trước tác động chưa từng có của dịch bệnh, điều mà nền kinh tế cần và các doanh nghiệp kỳ vọng đó là các chính sách, gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ... đủ "liều lượng", quy mô đủ lớn để giúp cho doanh nghiệp sớm "bình phục" và nền kinh tế sớm phục hồi.
Nhưng ngay trong giai đoạn đầu phục hồi kinh tế này, giải pháp nào sẽ đóng vai trò trọng tâm, chủ chốt? Gói hỗ trợ như thế nào sẽ đủ lớn để kích thích nền kinh tế và việc triển khai gói hỗ trợ này, cần phải đảm bảo cấp bách, thiết thực và tính ưu tiên ra sao để làm đòn bẫy cho các lĩnh vực nói riêng và giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn?
Để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh trước các vấn đề trên, Báo Tuổi Trẻ tổ chức chuỗi Talkshow trực tuyến mang tên "Phác đồ hồi phục", phát sóng trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Tuổi Trẻ.
Trong tập phát sóng đầu tiên, với chủ đề "Liệu trình cho kinh tế Việt Nam", chương trình sẽ thảo luận các vấn đề về chính sách, nguồn vốn, các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ để phục hồi, tạo cú hích cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chủ động ứng phó với các biển chủng mới để tránh tình trạng bị động, tái đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.
Chương trình có sự tham gia thảo luận của các khách mời: PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM và ông Nguyễn Đặng Hiến - phó chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA).
Chương trình với sự điều phối của nhà báo Trần Xuân Toàn - Ủy viên Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ, cùng sự dẫn dắt của MC Tú Trinh.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành uy tín và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp lớn ở TP.HCM
Mời bạn đọc đón xem tập 1 của chương trình Talkshow "Phác đồ hồi phục" với chủ đề: Liệu trình cho kinh tế Việt Nam, phát sóng trực tiếp vào lúc 10h, thứ ba, ngày 14-12, trên Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Báo Tuổi Trẻ, Fanpage và Youtube báo Tuổi Trẻ.
Chuỗi chương trình Talkshow "Phác đồ hồi phục" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty CP Acecook Việt Nam thực hiện.