Ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm về lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: Đ.TR.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - phát biểu như vậy tại hội thảo "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp" do Ban Kinh tế trung ương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức ngày 4-12.
Không đồng tình với một số nhận định cho rằng lãnh đạo DNNN "có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật", ông Cung cho rằng đây là những đánh giá còn rất chung chung, khuôn mẫu, sẽ khiến những lãnh đạo DNNN "rất tâm tư", không chuẩn xác hoàn toàn.
Đặc biệt liên quan đến những vi phạm, sai phạm xảy ra tại các DNNN, cho rằng có "lỗi" là do lãnh đạo, trong khi các cơ quan khác vô can, ông Cung cho rằng mỗi cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đều qua nhiều khâu nên trong trường hợp để xảy ra vi phạm, sai phạm, thì đó là cả quá trình, mà trước hết những cơ quan quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm, tránh mọi trách nhiệm đều "đẩy" cho cán bộ.
Khi đánh giá DNNN và vụ án, ông cũng cho rằng cần tách pháp nhân và cá nhân, phải cơ quan có thẩm quyền đánh giá, đặc biệt tách biệt tài sản.
"Việc đánh giá đội ngũ quản lý DNNN cần có cách nhìn chia sẻ, thấu hiểu. Tôi gặp nhiều anh em, lãnh đạo DNNN cũng mong muốn chia sẻ, đóng góp, hành động nhưng thấy rủi ro, nên lựa chọn không hành động, đảm bảo an toàn cho cá nhân. Như vậy thì làm sao mà kinh doanh, làm sao có đổi mới?" - ông Cung đặt câu hỏi.
Ông Cung cũng cho rằng, một số đề xuất giải pháp để nâng cao năng lực quản lý DNNN hiện có phần mâu thuẫn khi vừa phải nâng cao vai trò cấp ủy nhưng lại đòi hỏi hội đồng quản trị phải hoạt động theo thông lệ quốc tế là không phù hợp.
Nêu kiến nghị, ông Cung cho rằng khi thảo luận, bàn bạc đánh giá về DNNN, cán bộ DNNN không thể tách rời vai trò, sứ mệnh, mục tiêu nhiệm vụ của DNNN, không thể tách phần cán bộ ra khỏi khuôn khổ quản trị chung. Cũng không thể đánh giá cán bộ mà tách rời khỏi mục tiêu mà Nhà nước giao, cơ quan chủ sở hữu giao cho từng doanh nghiệp cụ thể, trên cơ sở các đánh giá khách quan, khoa học.
Theo đó, ông đề nghị cần nghiên cứu, học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân xem việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp được thực hiện như thế nào.
"Cần vào xem ông Phạm Nhật Vượng làm thế nào, Thaco (Công ty CP Trường Hải - PV) làm thế nào, tập đoàn nước ngoài đầu tư ở Việt Nam thế nào. Tôi tin rằng tổng giám đốc của Vingroup không nằm trong quy hoạch, họ không có quy hoạch như ta nhưng có cán bộ giỏi chuyên môn, đạt được mục tiêu tốt hơn ta" - ông nói.
Ông đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt DNNN vì quy hoạch cán bộ là chọn người thay thế trong tương lai sẽ khó có thể chọn được người tài, người giỏi, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, và chỉ chọn được những người tuân thủ.
Đồng thời, cần xem xét bãi bỏ bổ nhiệm cán bộ theo cơ chế hành chính xin cho, mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và SCIC, thực hiện hậu kiểm kèm theo trên cơ sở có các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể.