Cần gói trợ lực phi tài chính giải vây vướng mắc 'rừng thủ tục'

2 năm trước 166
Cần gói trợ lực phi tài chính giải vây vướng mắc rừng thủ tục - Ảnh 1.

Từ năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động toàn diện đến nền kinh tế. Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 11 và triển khai nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Sáu tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lần đầu tiên đạt 116.900 doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Một số quy định cũng được cải thiện tích cực. Tuy vậy, niềm tin và sự kỳ vọng của doanh nghiệp còn mong manh bởi những thay đổi và tác động khó đoán định trên thế giới. Trong khi đó, các nhóm giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp dường như chưa tạo được sức bật, thậm chí nhiều nơi tin rằng đó chỉ là "hỗ trợ trên văn bản".

Với bối cảnh đó, doanh nghiệp càng trông chờ hơn vào "gói trợ lực phi tài chính" mang tên cải cách môi trường kinh doanh.

Qua nghiên cứu thực tiễn và tham khảo các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về cải cách môi trường kinh doanh cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo các địa phương đối với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh rõ nét và quyết liệt hơn, nhưng vẫn chủ yếu thể hiện trong chỉ đạo và văn bản, chưa thực sự triển khai trên thực tế.

Một số rào cản kinh doanh đã bị bãi bỏ đang có xu hướng khôi phục, một số điều kiện kinh doanh mới được bổ sung.

Đáng lo ngại rằng nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, tài nguyên…).

Mặt khác, tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thường xuyên, liên tục cũng dẫn tới tâm lý lo ngại làm sai ở các cấp thực thi. Nhiều nơi, cán bộ, công chức e ngại trách nhiệm cá nhân nên giải quyết thủ tục quá chặt chẽ, mất thời gian hoặc thậm chí cố tình gây khó.

Doanh nghiệp đang chịu rất nhiều gánh nặng chi phí, trong đó có cả… chi phí tuân thủ. Các địa phương đều định kỳ tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhưng theo phản ảnh của doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ), đó chỉ là sự kiện để lãnh đạo địa phương tiếp nhận vấn đề, chứ chưa phải là giải quyết vấn đề.

Về cơ bản, ít vấn đề được giải quyết đến tận cùng. Vì vậy không ít doanh nghiệp ngày càng mất niềm tin vào sự đồng hành của chính quyền.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế sau dịch, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết có liên quan của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ cần chỉ đạo sát sao, liên tục để tạo áp lực và động lực cải cách.

Chính phủ cũng cần tạo lập ngay cơ chế để đảm bảo an toàn cho cán bộ thực thi khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan nhiều lĩnh vực mà văn bản có sự mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, hướng tới giúp cho việc thực thi và tuân thủ pháp luật tốt hơn chứ không phải dưới hình thức "bới lông tìm vết". Đồng thời, cần khẩn trương triển khai thực chất các thủ tục hành chính điện tử, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cải cách môi trường kinh doanh là không giới hạn. Nền kinh tế muốn phục hồi và phát triển đòi hỏi gia tăng tốc độ cải cách. Điều này cần sự chung tay, hiệp lực của tất cả các bên.

 Doanh nghiệp có đất, tiền nhưng nản vì thủ tụcLàm nhà ở xã hội: Doanh nghiệp có đất, tiền nhưng nản vì thủ tục

TTO - Chính phủ đặt mục tiêu xây 1 triệu nhà ở xã hội vào năm 2030 nhưng chỉ vài doanh nghiệp đăng ký đã có ngay con số lên đến 1,2 triệu căn.

Nguồn bài viết