Cần chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động nhanh chóng

1 năm trước 149

Tác động tới ngành nghề thâm dụng lao động

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tình hình lao động việc làm trong 1 tháng trở lại đây có nhiều khó khăn do một số ngành giảm đơn hàng dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, lao động phải nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động. Những lao động này tập trung ở các doanh nghiệp thâm dụng như ngành gỗ, dệt may, da giày, điện - điện tử.

Chú thích ảnhNgười lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Điều này cho thấy, khi có biến động thì lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng. Dự báo, trong 3 tháng tới, các doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 75.000 lao động. Số lao động này chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm 92,9%), trong đó nhiều nhất là ngành dệt may - da giầy chiếm 41,8%, điện - điện tử chiếm 40,8%.

Là địa phương có đông công nhân lao động, Bình Dương hiện có hơn 30.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và có trên 240.000 lao động phải giảm giờ làm.

Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Đô cho biết, địa phương này có 108.000 người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, trong đó nhiều nhất là bị giảm giờ làm (102.000 người) và 6.000 người bị mất việc. Ngay lúc này, cần có gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để họ có điều kiện tái cơ cấu sản xuất. Cùng với đó, trước Tết phải có gói hỗ trợ cấp thiết cho người lao động bị mất việc, hoãn hợp đồng lao động.

So với các địa phương phía Nam, các doanh nghiệp tại Hà Nội có thể chịu ít tác động hơn từ việc sụt giảm đơn hàng, song ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội thông tin, đến nay các doanh nghiệp cũng đang dần “thấm” tác động.

“Thời điểm này của các năm trước người lao động thường phải tăng ca để đảm bảo các đơn hàng nhưng hiện nay việc tăng ca không còn. Điều này đã tác động rất lớn đến thu nhập của người lao động. Trước đây để đạt mức thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng, người lao động phải làm thêm giờ, song hiện nay không có”, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết.

Theo báo cáo nhanh của công đoàn cơ sở, Hà Nội hiện ghi nhận hơn 2.000 công nhân ảnh hưởng đến việc làm, chủ yếu thuộc ngành điện tử, sản xuất linh kiện, song chủ yếu mức độ ảnh hưởng là không làm thêm giờ.

Tình trạng khó khăn thể hiện rõ hơn ở nhóm ngành dệt may. Theo bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, đây là thời điểm rất khó khăn, bởi đơn vị này dù đang quản lý khoảng 20.000 lao động, song ghi nhận số doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý 1/2023 là rất ít, chủ yếu chỉ đến hết tháng 12/2022. Thời điểm này cũng là lúc nhiều đơn vị đang phải giãn việc và tung hết nguồn lực để giữ công nhân.

Bà Hồng cho biết, qua thống kê, hiện ngành dệt may Hà Nội đã có 4 đơn vị nợ lương người lao động, trong đó có 2 doanh nghiệp nước ngoài. Công đoàn ngành đang phối hợp với lực lượng công an thành phố để kiểm soát việc chủ doanh nghiệp nước ngoài có nợ lương, nhưng về nước không quay trở lại.

“Hà Nội đã có một doanh nghiệp chủ về nước nghỉ Tết và không sang nữa, vấn đề là chủ doanh nghiệp này không ủy quyền cho ai, tài sản không thể thanh lý được. Hiện 124 lao động của đơn vị này chúng tôi đang cố gắng để chốt sổ bảo hiểm cho họ để tìm kiếm việc làm khác, song việc nợ lương thì chưa thể giải quyết được”, bà Hồng cho biết.

Sớm có chính sách hỗ trợ

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Sau dịch COVID-19 có 52 triệu lao động đang tham gia trên thị trường, trong khi trước dịch là 55 triệu lao động. Điều này cho thấy dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất nặng nề đến cuộc sống của người lao động; chính sách dành cho lao động có nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục hiện thực hóa những chính sách đã đưa ra cho người lao động như hỗ trợ về các dịch vụ xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…; chính thức hóa các chính sách tạm thời như hỗ trợ nhà ở cho người lao động.

Dù tình hình khả quan hơn nhưng Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng đề xuất tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tiếp tục thực hiện những chính sách đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Ông Thắng cũng nhấn mạnh, khi phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân phải đồng bộ các dịch vụ kèm theo như khu vui chơi, giải trí, trường học, bệnh viện…

Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tống Văn Lai đề nghị, trong lúc người lao động bị giãn việc, doanh nghiệp có thể tranh thủ tổ chức đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho công nhân, lao động để đón những đơn hàng mới. Việc hỗ trợ người lao động nâng cao kĩ năng, tay nghề sẽ đem lại hiệu quả cao trong bối cảnh hiện nay bởi khi ổn định đơn hàng nếu thiếu lao động có tay nghề, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng và mất chi phí rất lớn.

Trước những phản ánh từ các địa phương, đơn vị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, khó khăn của người lao động hiện nay là vấn đề đáng quan tâm, nhất là khi gần Tết, bởi không chỉ tác động đến đời sống, nhận thức của người lao động mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội nếu không được giải quyết thấu đáo.

Hơn lúc nào hết, phải có chính sách thỏa đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ đối người lao động, vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động, vừa để doanh nghiệp duy trì, tồn tại, có cơ hội tiếp tục phát triển. Bên cạnh chính sách cấp bách, cần chính sách lâu dài về bảo hiểm xã hội, thu hút đầu tư, vay vốn…

Theo ông Hiểu, các chính sách hỗ trợ cần hướng đến cả doanh nghiệp và người lao động, vừa giữ chân lao động vừa giúp doanh nghiệp duy trì và tồn tại, chờ khi tình hình tốt hơn. “Chúng tôi mong muốn có cả chính sách ngắn hạn và lâu dài, có chính sách liên quan đến an sinh như bảo hiểm xã hội, đến việc thu hút đầu tư, tìm kiếm thị trường, đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo nghề… Tổ chức công đoàn sẽ trao đổi với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan, thống nhất để báo cáo Chính phủ”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Nguồn bài viết