‘Cất cánh’ từ mảnh đất quê hương

1 năm trước 79

Bỏ phố về quê

Người đưa bộ môn thể thao mạo hiểm này về đây lại là một cô gái sinh năm 1989, dáng người nhỏ nhắn, dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan, thanh tú. Bùi Phương Thảo vốn là một phóng viên của một tờ báo, chuyên viết về du lịch và ẩm thực. Tuy nhiên, với bản tính mạnh mẽ, tự lập và luôn muốn thử thách những điều mới mẻ, đầu năm 2018, Thảo tìm lối đi mới cho riêng mình.

Lang thang trên mạng, những clip về bộ môn dù lượn, cảm giác hồi hộp đến “thót tim” khi phi công điều khiển cánh dù lướt trên triền đồi, trên thung lũng hoa... đã chinh phục Phương Thảo. Từ đó cô đã về tỉnh Quảng Ninh để học bay rồi kết thêm nhiều người bạn cùng chung đam mê bộ môn này.

Chú thích ảnhNgười dân xóm Pheo háo hức lên đỉnh U Bò ngắm dù lượn mỗi lần Phương Thảo tổ chức bay.

Sau thời gian bay vững tay, Phương Thảo và các cộng sự nhận thấy tiềm năng của môn chơi và mong muốn phát triển dù lượn thành môn thể thao thành tích chứ không dừng lại ở một cộng đồng nhỏ. “Chúng tôi đã đi tìm kiếm điểm bay ở khắp các vùng núi từ Tây Bắc - Đông Bắc thậm chí là khu vực Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh, rong ruổi khắp nơi, thậm chí là có những lần gặp những biến cố trên đường hoặc trong quá trình khảo sát... nhưng cả đội chưa bao giờ từ bỏ đam mê”, Phương Thảo chia sẻ.

Trong một lần vô tình nhìn xem clip giới thiệu về điểm “camping” của một Youtuber (chính là điểm bay Lạc Sơn hiện tại), Phương Thảo đã quyết định phải đi đến nơi đó khảo sát. Mặc dù đi lại không ít lần, có những bất đồng khiến đồng đội bỏ cuộc, chỉ còn lại Thảo và người bạn là phi công Nguyễn Văn Tuấn quyết định chọn nơi này để phát triển thành điểm bay dù lượn. vì các điều kiện kỹ thuật. địa hình, thời tiết đều rất phù hợp cho mọi trình độ bay. Hơn hết, điểm bay chỉ cách nhà có 15km.

“Bản thân tôi luôn suy nghĩ khi mình mang đến điều tốt đẹp thì mình sẽ nhận lại những điều tốt đẹp. Khác với cách làm ở nhiều nơi, tôi không lựa chọn cách tách biệt vì môn chơi mà chọn cách xây dựng hệ sinh thái xung quanh môn chơi, hơn hết nơi đây còn là quê hương của mình nên tôi mong mỏi sẽ đem lại nhiều giá trị cả về tinh thần lẫn vật chất cho bà con, đặc biệt là giúp bà con có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Chú thích ảnhNữ phi công 33 tuổi Bùi Phương Thảo.
Chú thích ảnhPhi công Phương Thảo trong một lần cất cánh từ đỉnh U Bò.

Khi cánh dù đầu tiên vút lên trên điểm bay, bà con hồ hởi lên đỉnh núi để xem phi công bay lượn, có những ngày bà con kéo lên cả trăm người tấp nập nhộn nhịp vô cùng, có những người đi bộ cả chục km chỉ để nhìn thấy những cánh dù rực rỡ... Và cho đến giờ, điểm bay đã đi vào hoạt động nửa năm mà bà con vẫn đến xem đông đủ tấp nập như ban đầu. “Điều khiến tôi xúc động nhất là khi tôi không có mặt ở điểm bay, người dân nơi đây vẫn hỏi thăm tôi với các phi công khác rằng: “Cô Thảo hôm nay không đi bay sao?”; “Lâu ngày không thấy cô Thảo cũng thấy nhớ!”... điều đó khiến tôi quyết tâm để làm được nhiều điều hơn cho bà con.

Nghề mới cho đồng bào địa phương

Điểm bay rất thuận lợi, ô tô đưa người chơi và phi công lên tận đỉnh núi - nơi cất cánh. Tuy nhiên điểm hạ cánh lại ở dưới chân núi, từ đó phát sinh nhu cầu di chuyển giữa chân núi và đỉnh núi để tiếp tục bay. Thay vì sử dụng xe ô tô trung chuyển, Phương Thảo quyết định đặt vấn đề với người dân địa phương về việc kinh doanh dịch vụ vận chuyển, sử dụng xe máy để đưa đón phi công và tiếp tế lương thực. Từ đó, một tổ đội xe ôm gồm 10 người đã ra đời, trong đó có 1 cô gái, đội trưởng là anh Bùi Văn Ước, tất cả đều là người dân địa phương.

Chú thích ảnhGiá của một chương trình dù lượn đôi tại đỉnh U Bò khoảng 1,6 – 1,8 triệu đồng/suất. Giá vé này cho một chuyến bay từ 15 - 30 phút bao gồm bảo hiểm bay dù và nước uống.
Chú thích ảnhNhững ngày cuối tuần, các gia đình tranh thủ đi trải nghiệm hình thức du lịch thể thao mạo hiểm đầy thú vị này.

Anh Bùi Văn Ước chia sẻ: “Có những ngày đông phi công và khách bay trải nghiệm, mỗi người lái xe ôm cũng kiếm được từ 700.000 đến 1 triệu đồng/ngày. Nguồn thu nhập này lớn hơn rất nhiều so với trồng hoa màu, góp phần cải thiện cuộc sống hàng ngày của bà con thôn xóm. Thêm vào đó, khi có nhu cầu phục vụ ăn uống, chị Thảo đều giao cho tôi cung cấp đồ ăn hoặc thực phẩm cho phi công và du khách, tôi và chị Thảo đều tâm niệm, muốn giới thiệu đến những món ăn đặc sản quê hương và sự nhiệt tình của người dân Hòa Bình. Phải làm sao để du khách và bạn bè không chỉ đến một lần, mà sẽ muốn quay lại nhiều lần nữa...”.

Có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống của bà con nơi đây đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Với bước đầu thành công, Bùi Phương Thảo còn ấp ủ nhiều dự định trong tương lai, đặc biệt là
dự án trồng cây dược liệu ngay dưới chân núi U Bò. Thảo hy vọng rằng, khi vay được vốn ngân hàng và xin được nguồn tài trợ từ cây giống cũng như kỹ thuật sản xuất, Thảo sẽ vận động bà con thôn xóm cùng tham gia dự án này để mở thêm một hướng làm kinh tế, nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân.

Nguồn bài viết