Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến - Ảnh: News video
Theo giới quan sát, động thái mới nhất của Washington đang đẩy cuộc cạnh tranh địa chính trị và công nghệ nói riêng giữa Mỹ và Trung Quốc sang giai đoạn mới.
Hạn chế tiếp cận chip tiên tiến
Theo những quy định mới công bố ngày 7-10 (giờ địa phương), các công ty ở Mỹ sẽ cần một loại giấy phép đặc biệt mới được bán chip máy tính và thiết bị sản xuất chip tới Trung Quốc.
Động thái này được hiểu rằng tới đây Trung Quốc sẽ bị hạn chế tiếp cận chip máy tính tiên tiến, hạn chế trong duy trì và phát triển siêu máy tính cũng như sản xuất chất bán dẫn.
Theo Đài CNN, các quy định mới ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ quan trọng ở nhiều lĩnh vực kinh tế, nhưng điểm nhấn lớn nhất nằm ở việc ngăn Trung Quốc sản xuất vũ khí tiên tiến.
Quan chức Mỹ xem các công nghệ nằm trong diện giám sát này đóng vai trò quan trọng đối với cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc, từ phát triển các hệ thống tự hành cho tới sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trợ lý bộ trưởng thương mại Mỹ phụ trách quản lý xuất khẩu, bà Thea D. Rozman Kendler, cho biết trong thông cáo báo chí của bộ này: "Trung Quốc đã đổ nhiều nguồn lực vào việc phát triển năng lực của siêu máy tính và muốn trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Họ đang dùng sức mạnh này để giám sát, theo dõi người dân cũng như hiện đại hóa quân đội".
Hiện nay, quy định của Mỹ cản trở cung cấp chip cho các siêu máy tính của Trung Quốc được định nghĩa là các hệ thống máy tính với hiệu suất lớn hơn 100 petaflops (100 triệu tỉ phép tính/giây).
Hai nguồn tin của Reuters trong lĩnh vực này cho biết các trung tâm dữ liệu thương mại của một số đại gia công nghệ Trung Quốc sẽ chịu tác động.
Wayne Lam, nhà phân tích về chip của hãng phân tích thị trường CCS Insight (London, Anh), nhận định: "Các trung tâm dữ liệu như của Alibaba hay ByteDance có khả năng đạt mức xử lý petaflop đã nêu".
Đồng minh của Mỹ lo lắng
Loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ là tín hiệu trực tiếp cho mối lo ngại của các công ty khác: nguy cơ phải "chọn phe" giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh công nghệ và địa chính trị.
Để chuẩn bị cho "cuộc chiến công nghệ" với Trung Quốc, hành động đơn phương của Mỹ là không đủ. Các thảo luận giữa Mỹ và đồng minh, đối tác về chất bán dẫn và kiểm soát xuất khẩu đã được phía Mỹ triển khai trong nhiều tháng qua.
Phát biểu vào ngày 6-10 trước khi các quy định mới được chính thức công bố, các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden thừa nhận họ chưa nhận được bất kỳ cam kết nào từ đồng minh. Hiện nay, chưa ai hứa sẽ áp dụng các biện pháp tương tự, và đây vẫn là chủ đề được Mỹ tiếp tục xúc tiến trao đổi.
"Chúng tôi nhìn nhận rằng các biện pháp kiểm soát đơn phương sẽ mất hiệu quả theo thời gian nếu các nước khác không cùng sát cánh. Và chúng tôi cũng có nguy cơ phương hại tới vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ nếu các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài không áp dụng biện pháp tương tự", một quan chức tiết lộ.
Trong cuộc cạnh tranh bán dẫn nói riêng và công nghệ nói chung, Đài Loan đang thu hút sự chú ý vì đây là nền kinh tế dẫn đầu về bán dẫn. Hôm 8-10, chính quyền Đài Loan khẳng định các công ty sản xuất chip của vùng lãnh thổ này sẽ tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ.
Giữa tuần này, phó lãnh đạo Cơ quan kinh tế Đài Loan Chen Chern-chyi nêu bật những lo ngại về chuỗi cung ứng cũng như khó khăn trong việc nhận biết sản phẩm xuất khẩu nào được dùng cho mục đích quân sự. Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, vì vậy hòn đảo này đứng trước thế khó.
Ông Chen nói: "Tôi không biết làm thế nào để tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Điều này không thực tế. Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục thấy các công ty Đài Loan hợp tác với các đối tác Trung Quốc của mình, hoặc trong lĩnh vực kinh doanh mà chính quyền sẵn sàng".
Hiện nay, phía Đài Loan hy vọng các thảo luận trong liên minh "Chip 4" gồm bốn nhà sản xuất chip là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ giúp đảm bảo chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, một số công ty sản xuất chip lớn, đơn cử SK Hynix của Hàn Quốc, nói họ sẽ tìm cách xin giấy phép của Mỹ để giữ hoạt động cho nhà máy ở Trung Quốc.
Trong một tuyên bố ngày 7-10, Hiệp hội ngành sản xuất bán dẫn (SIA) của Mỹ kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden thực hiện các quy định này một cách có mục tiêu và phối hợp với các đối tác quốc tế, xem đây là cách giúp sân chơi bình đẳng hơn và giảm thiểu tác hại không mong muốn đối với lĩnh vực sáng tạo của Mỹ.
Thêm 31 công ty Trung Quốc bị giám sát
Cũng trong ngày 7-10, Mỹ đã thêm 31 thực thể Trung Quốc vào danh sách giám sát. Đây là những công ty và thực thể mà chính quyền Mỹ chưa thể quyết định cho phép tiếp cận công nghệ nhạy cảm của Mỹ.
Các nhà cung cấp Mỹ vì vậy buộc phải cẩn trọng khi bán sản phẩm (kể cả ít hiện đại nhất) sang những công ty Trung Quốc nêu trên, trong đó bao gồm nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc YMTC. Theo Reuters, việc thêm YMTC vào danh sách sẽ khiến căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.