Các sản phẩm cơ khí của THACO không chỉ vượt khỏi giới hạn cung cấp cho ôtô mà còn sang nhiều ngành nghề khác. Trong ảnh: công nhân làm việc tại Nhà máy THACO, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: HỮU HẠNH
Nhiều doanh nghiệp Việt đã tranh thủ vượt lên. Thế nhưng, sự góp mặt của hàng loạt ông lớn như Intel, Samsung, Foxconn... cùng những nhà cung cấp của họ, trong khi rất nhiều doanh nghiệp Việt chưa đủ năng lực để cung ứng linh kiện, đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong xây dựng một nền công nghiệp tự chủ.
Chớp thời cơ vươn lên
Trong suốt 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đảo lộn khiến nhiều ngành điêu đứng vì thiếu linh kiện phụ tùng. Với ngành ôtô, đã có ít nhất 3 mẫu xe hơi sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam phải tạm ngưng do thiếu linh kiện sản xuất. Nhưng ít ai biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm tòi, chớp thời cơ vươn lên.
Ông Huỳnh Quang Nhung, phó tổng giám đốc kinh doanh Thaco Industries, cho biết cách đây hơn 5 năm, Thaco đã tập trung sản xuất thêm linh kiện, gia công cơ khí trên nền tảng công nghệ với nhiều ngành nghề bổ trợ. Tiềm năng ngành cơ khí, theo dự báo của Bộ Công thương là 310 tỉ USD. Có sự chuẩn bị, khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Thaco đã chớp lấy thời cơ xuất khẩu sơmi rơmooc, đến nay đã xuất hơn 15.000 xe với giá trị hơn 200 triệu USD. Hiện Thaco Industries cũng dồn dập nhận đơn hàng của các doanh nghiệp FDI tìm đặt sản xuất khuôn.
Thay vì khách hàng đặt rất nhiều đối tác để hoàn thiện sản phẩm, nay họ chọn các doanh nghiệp có thể rút ngắn được quy trình, thời gian và tối ưu chi phí.
Ở những nơi họ chỉ gia công một sản phẩm, khi xảy ra lỗi chưa chắc đủ trang thiết bị máy móc để khắc phục ngay. Thaco tập trung vào năng lực công nghệ, năng lực gia công sản xuất và lợi thế tích hợp nhiều ngành nghề kinh doanh của Thaco như logistics đường biển, đường bộ... để giảm chi phí cho khách hàng.
Nhờ đó, hiện Thaco đang làm với nhiều đối tác. Với sơmi rơmooc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, ngay cả Canada, Mexico, Ý, Úc... cũng gửi bản vẽ, báo giá để tìm đặt hàng sơmi rơmooc.
Trong khi đó với Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, ông Bùi Minh Hải, chủ tịch HĐQT, cho hay năm 2021 mặc dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng dự án sản xuất sản phẩm vỏ tivi xuất khẩu đi Ấn Độ của An Trung Industries, công ty thành viên của Nhựa Hà Nội, với khách hàng Foxconn đã đi vào hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế.
Sản xuất ôtô tại Nhà máy THACO ở Chu Lai (Quảng Nam) - Ảnh: HỮU HẠNH
Nhiều chuyển dịch có đích là Việt Nam
Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) cho biết sẽ đẩy mạnh mở rộng sản xuất và kinh doanh các thiết bị nối dây, thiết bị chiếu sáng và thiết bị IAQ (thiết bị chất lượng không khí trong nhà) tại Việt Nam. Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi chuyển dịch biến Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu để Panasonic thực hiện chiến lược tối ưu hóa chuỗi giá trị, sau khi hãng này đóng cửa 2 nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt 2 năm trước tại Thái Lan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hoàng Thu Thủy, phó trưởng phòng cấp cao, trưởng bộ phận quản lý mua hàng toàn cầu của Panasonic Việt Nam, cho hay 2 nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt của Panasonic được đầu tư từ năm 2003 thì năm 2005 trung tâm R&D ra đời. Đây là trung tâm có quy mô, tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam và là trung tâm đầu não tại khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển sản phẩm gia dụng cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu sang các nước châu Á.
"Theo thông lệ trên thế giới, các nhà máy sản xuất thường đặt các trung tâm R&D ở gần công ty mẹ tại Nhật Bản. Thế nhưng với 2 lĩnh vực sản xuất tủ lạnh và máy giặt của Panasonic, trung tâm R&D được đặt tại Việt Nam có lợi thế trong việc quyết định mọi hoạt động sản xuất, như việc đưa ra những thay đổi cơ bản về thiết kế, vật liệu, sản phẩm cho cả những nước lân cận, giúp quy trình sản xuất được tối ưu hơn, giảm được giá thành", bà Thủy cho biết.
Dù khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - VASI vừa thông tin đáng chú ý: Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam.
Theo ghi nhận, những thông báo như "doanh nghiệp Pháp tìm đơn vị sản xuất dụng cụ cầm tay búa, cờ lê, mũi vít; công ty của Hoa Kỳ tìm nhà cung cấp số lượng lớn phụ kiện ôtô..." ngày càng nhiều trên website của VASI.
Còn Tập đoàn đa quốc gia Techonic Industries (TTI), chuyên về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng, với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu, cũng đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM. Công ty này liên tiếp tổ chức các hoạt động tìm kiếm hơn 200 nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam ở 4 lĩnh vực phun nhựa, khuôn mẫu, điện và kim loại.
Cơ hội đầu tư phát triển lâu dài, TTI xác định sẽ sử dụng 80% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Dù vậy, tỉ lệ này hiện mới đạt ở con số khá khiêm tốn: 40%, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ.
Công nhân sản xuất làm việc tại một nhà máy của Panasonic - Ảnh: NGỌC AN
Không dễ chen chân
Mặc dù có nhiều lợi thế về chuyển dịch đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam, nhưng theo bà Hoàng Thu Thủy, điều này không đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nhà cung ứng ở Việt Nam được tham gia chuỗi sản xuất của Panasonic. Đến nay nhà cung cấp Việt Nam chiếm 51% về số lượng nhưng chỉ chiếm khoảng 35% về giá trị tại hãng.
Tại Panasonic Việt Nam hiện có 7 nhà máy, nhu cầu phát triển sản phẩm mới hằng năm rất phong phú. Nhưng thực tế, do đã có sẵn chuỗi cung ứng được hình thành từ trước, nên để đáp ứng cho đơn hàng tăng thêm khi chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam, Panasonic vẫn ưu tiên đặt hàng với nhà cung ứng đã có sẵn. "Về lâu dài, khi nhu cầu tăng cao hơn, chúng tôi sẽ phát triển nhà cung ứng ở Việt Nam để tăng sự an toàn, đảm bảo tính bền vững cho hoạt động sản xuất của toàn bộ chuỗi", bà Thủy chia sẻ và thẳng thắn: số doanh nghiệp Việt đáp ứng được tiêu chuẩn mà các tập đoàn đa quốc gia đặt ra là rất ít, chỉ là "thiểu số". Thông thường, những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn do có năng lực quản lý chất lượng, thời gian giao hàng, dịch vụ... tốt hơn.
Việc phát triển nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa với Samsung cũng là bài toán không đơn giản. Đặc biệt khi tập đoàn này đã đầu tư tới 6 nhà máy để đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất điện thoại thông minh lớn hàng đầu thế giới.
Một đại diện của Samsung Việt Nam cho hay ban đầu hãng tổ chức những hội thảo, triển lãm công nghiệp phụ trợ để tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Sau đó là các chương trình tư vấn cải tiến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm do các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp "cầm tay chỉ việc". Rồi đào tạo hơn 406 chuyên gia tư vấn người Việt Nam...
Đến nay với 379 doanh nghiệp được tư vấn, cải tiến giúp năng suất tăng trung bình 30%, thậm chí có doanh nghiệp tăng đến 90%. Tuy vậy, số lượng nhà cung ứng Việt cấp 1 hiện thâm nhập được vào chuỗi của Samsung đang chỉ dừng lại ở con số 51.
Nguồn: Bộ Công thương - Dữ liệu: N.AN - Đồ họa: T.ĐẠT
Cơ hội lớn hơn từ dịch bệnh
Ông Trần Thanh Lãm, tổng giám đốc Công ty CNS Amura Precision, cho hay rủi ro do dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng... đã thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến sản phẩm nhanh hơn. CNS Amura Precision đã được công nhận là nhà cung cấp bậc 1 cho Tập đoàn Samsung Việt Nam.
Theo ông Lãm, thị trường khuôn mẫu cơ khí - nhựa còn nhiều tiềm năng phát triển. Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trước đây các tập đoàn lớn đã có các đối tác cung ứng ổn định, doanh nghiệp nội địa rất khó chen chân vào chuỗi. Nhưng nay, do tác động của dịch gây gián đoạn chuỗi cung ứng, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
CÔNG TRUNG
* Bà Đỗ Thị Thúy Hương (ủy biên ban chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam):
Cơ hội từ "dòng chảy công nghệ"
Đang có một "dòng chảy công nghệ" và Việt Nam đang có cơ hội. Sự chuyển dịch tiêu biểu nhất là trong ngành điện tử. Có tới 11 - 13 doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc là những nhà cung ứng, sản xuất lắp ráp điện thoại thông minh và nhiều thiết bị điện tử khác của Apple đang đầu tư sang Việt Nam. Trong số này, có những vendor (nhà cung ứng) chủ chốt của Apple. Ngoài ra, các nhà đầu tư lớn như Intel, Samsung, LG... đều đang mở rộng sản xuất ở Việt Nam, bất chấp dịch bệnh diễn ra suốt hơn 2 năm qua.
Vì sao doanh nghiệp Việt khó vào chuỗi toàn cầu?
Việc đầu tư nâng cao công nghệ, kỹ thuật sản xuất là yêu cầu đặt ra cho những doanh nghiệp nội địa như An Phát để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh: NGỌC AN
Ngoài những doanh nghiệp đầu tư bài bản từ lâu tham gia được vào chuỗi, đa số các doanh nghiệp khác đang trên con đường gian nan để khẳng định mình. Sau đây là chia sẻ của chính những người trong cuộc.
Trong nhà xưởng rộng lớn với nhiều công đoạn tự động hóa và có "bàn tay" của robot, các công nhân của Công ty TNHH dịch vụ sản xuất thiết bị Aureole (thuộc Tập đoàn Mitani Sangyo, Nhật Bản) cặm cụi kiểm tra các linh kiện trong ngành xe hơi vừa mới "ra lò".
Công nhân lắp ráp bánh cho dòng xe Kia bằng hệ thống hiện đại ở KCN THACO Chu Lai, Quảng Nam - Ảnh: HỮU HẠNH
Tiêu chuẩn, nghe dễ nhưng khó làm
Cầm trên tay các linh kiện nhựa với nhiều mẫu mã và kích cỡ, giám đốc sản xuất Nguyễn Văn Tám tự hào khi hàng triệu sản phẩm từ nhà máy này đã được lắp ráp trong nhiều mẫu xe hơi chạy khắp thế giới.
Đặt các nhà máy sản xuất linh kiện ôtô tại Việt Nam từ năm 2014, ông Yoshida Masakazu, tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ sản xuất thiết bị Aureole, cho biết hiện có 40 - 45% sản phẩm của nhà máy này bán nội địa, còn lại xuất sang Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ... Do sản xuất linh kiện đòi hỏi tiêu chuẩn cao, doanh nghiệp này phải nhập khẩu 100% các hạt nhựa nguyên liệu và trước đây cũng buộc phải nhập khẩu các linh kiện kim loại đi kèm (tương tự bu lông, ốc vít - PV).
Tuy nhiên, ông Yoshida Masakazu cho biết hiện doanh nghiệp này đã tìm được các nguồn cung linh kiện kim loại từ nội địa khi có các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất các sản phẩm này tại Việt Nam. Theo ông, số liệu thống kê gần đây từ các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy tỉ lệ thu mua nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mới đạt 36%.
Vị tổng giám đốc này đánh giá hiện các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng bởi trong ngành ôtô, các khách hàng rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp muốn bước chân vào chuỗi phải được các khách hàng đồng ý nên bản thân các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ không thể tự ý chọn nhà cung ứng.
Từng có dịp đi thăm nhiều nhà máy trong cùng ngành nghề ở Việt Nam, vị tổng giám đốc người Nhật này rất bất ngờ khi nhiều nhà máy có máy móc còn xịn hơn cả nhà xưởng của doanh nghiệp Nhật. Nhưng ông Yoshida Masakazu cho rằng các doanh nghiệp Việt cần đầu tư "chất lượng theo nghĩa rộng". "Ví dụ nhiều doanh nghiệp Việt đã có những chứng nhận chất lượng, nhưng đi sâu vào thực tế lại chưa đảm bảo, ngay từ khâu thu mua nguyên liệu", ông Yoshida Masakazu thẳng thắn.
Với cam kết tiến độ giao hàng, nghe thì dễ, nhưng lãnh đạo một doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất sang Mỹ, châu Âu tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) cho biết ông từng gặp bài học... đau đớn: kiểm tra các thứ đều ổn, đặt hàng nhà cung cấp phụ kiện trong nước, chốt mốc thời gian giao sản phẩm là 4 tuần. Tuy nhiên, đến hạn thì nhà cung cấp xin hoãn, cuối cùng là... 8 tuần mới giao được phụ kiện. Điều này khiến nhà sản xuất mất uy tín, chịu phạt hợp đồng bởi đã "chốt" với đối tác.
Không thể "một bước lên tiên"
Ông Bùi Minh Hải, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, cho hay dù là nhà cung ứng cấp 1 của Honda nhưng với Samsung, công ty mới đang là nhà cung ứng cấp 2. Trên thực tế, để sản xuất một sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe, như dây chuyền sản xuất hiện đại, ổn định, nên đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn về nhà xưởng, máy móc.
Thêm nữa là cần phải có nguồn lao động, kỹ sư được đào tạo bài bản, nhưng trên thực tế khả năng đáp ứng công nghệ mới của nhân lực Việt Nam rất hạn hẹp.
Bởi vậy, khi tham gia chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam không thể "một bước lên tiên", làm ngay nhà cung ứng cấp 1, mà cần phải nhiều thời gian để đầu tư, nâng cao năng lực.
Để tận dụng được cơ hội, ông Hải mong muốn Chính phủ quan tâm, đầu tư hơn nữa vào công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao và có những gói hỗ trợ, ưu đãi về tài chính cho các doanh nghiệp.
NGỌC HIỂN - N.AN
Đã là "nền kinh tế công nghiệp mới nổi", nhưng...
Công nhân làm việc tại khu vực cắt bấm dây điện tự động ở Công ty THACO, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: HỮU HẠNH
Ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá việc bị phụ thuộc vào FDI quá lớn khiến nội lực doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Ông Hoài cho hay mặc dù ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng đóng góp vai trò quan trọng, đóng góp GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm "các nền kinh tế công nghiệp mới nổi", song trình độ và giá trị gia tăng của nền công nghiệp vẫn thấp.
Đánh giá của Bộ Công thương chỉ ra công nghiệp hỗ trợ hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước, chủ yếu linh kiện và chi tiết đơn giản, trình độ công nghệ còn thấp chiếm tới 60%, sử dụng dây chuyền nhập về từ những năm 1960 - 1970.
Tỉ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. Do đó, Việt Nam được đánh giá là nước chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kém tiếp cận công nghệ.
Lãnh đạo Bộ Công thương nhìn nhận cần sớm có chính sách để thực hiện hiệu quả hơn mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực tự chủ, tự cường dân tộc. Theo đó, việc xây dựng Luật phát triển công nghiệp để tạo cơ chế giúp doanh nghiệp vươn lên trong chuỗi giá trị được cơ quan này cho rằng là cần thiết.
Các chính sách cần tập trung như hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước về phát triển công nghiệp, phân rõ trách nhiệm quản lý, thúc đẩy khoa học công nghệ trong công nghiệp, tăng nội lực cho doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy liên kết vùng, phân bố không gian công nghiệp...
Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho hay doanh nghiệp Việt tận dụng được sự chuyển dịch, chen chân vào chuỗi cung ứng không đơn giản. Thứ nhất, khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, nhiều nhà cung cấp của họ cũng vào. Nguồn nhân lực chất lượng cao vốn đã eo hẹp sẽ chảy sang các doanh nghiệp FDI do chính sách thu hút tốt hơn. Thêm nữa, giá thuê đất khu công nghiệp tăng cao, các chi phí xây dựng, thuê kho bãi, nguồn nguyên liệu đầu vào... ngày càng lớn. Do đó, bà Hương cũng đồng quan điểm cần có chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội địa, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị.
Cần sự hỗ trợ thiết thực hơn
Nhiều doanh nghiệp cơ khí cho biết trong suốt thời gian qua cơ bản là nỗ lực tự thân, tự "bơi" để hoạt động. Do đó, cần có một nghiên cứu cụ thể Việt Nam đứng trước lợi thế, cơ hội gì. Thậm chí, cần có thông tin hỗ trợ kịp thời để nắm bắt doanh nghiệp nước ngoài tìm đối tác, đón đầu xu hướng. Muốn đón đầu phải dự báo để chuẩn bị đầu tư, chứ không phải nhận đơn hàng rồi rục rịch chuẩn bị máy móc thiết bị là quá trễ...
N.AN