4 đợt giãn cách và những tín hiệu tích cực
Từ ngày 27/4-23/7/2021 (88 ngày) khi Hà Nội chưa thực hiện giãn cách, đã xuất hiện trở lại các ca dương tính với SARS-CoV-2, trung bình 10,4 ca/ngày; các ngày sau đó, số ca mắc tăng cao dần, bao gồm cả các ca ngoài cộng đồng. Cùng với đó, từ giữa tháng 7, còn xuất hiện những chùm ca bệnh phức tạp tại cơ sở khám chữa bệnh, nhà máy trong khu công nghiệp, chợ, khu dân cư… nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.
Trước tình hình trên, toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố được kích hoạt “chế độ” sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch UBND TP đã có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành vào cuộc triển khai sớm ngăn chặn dịch lây lan… Trên thực tế, thời điểm này Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15 nhưng có nhiều biện pháp trên mức Chỉ thị 15, các ngành, các cấp đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản ở các cấp độ khác nhau, đồng thời Thành phố đã chỉ đạo tổ chức diễn tập các phương án đó để khi diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp hơn thì hoàn toàn chủ động được. Vì vậy, từ 6 giờ ngày 24/7/2021, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện giãn cách xã hội lần thứ nhất trong 15 ngày theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đề ra, Hà Nội đã đưa số ca mắc trong đợt giãn cách lần 2 (từ ngày 8/8 - 23/8/2021) giảm hơn 200 ca so với đợt giãn cách lần 1. Không chủ quan với kết quả trong đợt giãn cách lần 2, Thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách lần 3 (từ ngày 23/8 - 6/9/2021); đồng thời cân nhắc trên mọi phương diện và quyết định triển khai giãn cách lần 4 (từ 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9/2021).
Kết quả, trong lần giãn cách thứ 4, toàn Thành phố chỉ ghi nhận 312 trường hợp dương tính với số ca mắc chỉ còn 28,3 ca/ngày (đợt 1 là 71,2 ca/ngày, đợt 2 là 56,8 ca/ngày, đợt 3 là 71,1 ca/ngày). Đáng chú ý, các ca mắc này chủ yếu là trong khu cách ly, khu vực phong tỏa và có những ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng…
Không chỉ giảm về số ca mắc, các điểm phong tỏa cũng thu hẹp lại, còn 15 điểm quy mô thôn, xã tại 10 quận, huyện. Điều này đồng nghĩa với việc tăng các xã vùng xanh, giảm vùng cam - đỏ so với thời điểm ngày 6/9/2021. Cụ thể, số xã vùng đỏ còn 3 xã; vùng cam còn 22 xã; vùng xanh tăng từ 27 xã lên 528 xã…
Thực hiện 2 chiến dịch: Tiêm chủng và xét nghiệm
Nếu như giãn cách xã hội được xem là “thời gian vàng” để bóc tách F0 thì chiến dịch xét nghiệm diện rộng, bao phủ tiêm chủng được xem là “chìa khóa” để truy vết, khoanh vùng triệt để ca bệnh là “vũ khí” hữu hiệu để chống lại COVID-19. Triển khai nhiệm vụ này, lực lượng y tế của Thành phố đã nỗ lực hết sức, không chỉ lấy mẫu và tiêm chủng ban ngày, mà ngay cả tối muộn đến đêm khuya cũng “sáng đèn” tiêm vaccine cho người dân.
Trong hai chiến dịch này của Thủ đô, không thể không nhắc đến sự góp sức của gần 4.000 nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ Hà Nội, tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng. Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội”, nhân viên y tế các tỉnh đã tạo thành một hệ thống dây chuyền lấy mẫu, tiêm chủng cùng với cán bộ y tế của Hà Nội thực hiện hoàn thành lấy mẫu cộng đồng và tiêm vaccine mũi 1 cho người dân Thành phố trong thời gian thần tốc vừa qua với tinh thần hăng hái, quyết tâm nhất cùng Thủ đô khống chế dịch bệnh.
Trong những ngày cuối của chiến dịch, tốc độ tiêm vaccine đã được đẩy lên rất cao, số mũi tiêm ngày sau cao hơn ngày trước, có ngày cao điểm, tiêm được gần 600.000 liều. Đến nay, toàn Thành phố Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và phương án 170 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, 5.649.581 người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, đạt 93,8%; tỷ lệ tiêm so với tổng dân số đạt 67,9%. Riêng về xét nghiệm diện rộng, từ ngày 8/9-15/9/2021, đã lấy được 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch; trong 2 ngày 16/9 và 17/9 các địa phương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch đạt 57.788 mẫu…
Có thể thấy, những con số kể trên là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng, chung sức đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, người dân Thủ đô cũng hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng Thành phố sẽ từng bước kiểm soát dịch bệnh và bước sang giai đoạn “bình thường mới”.