Căng thẳng Mỹ - Trung làm mất 96% đầu tư công nghệ song phương

2 năm trước 236
Nikkei dẫn báo cáo công nghệ hằng năm do Bain & Company công bố hôm 20.9 cho biết, căng thẳng chính trị đã ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư vào lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cố gắng tách rời chuỗi cung ứng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư trực tiếp tổng thể giữa hai nước giảm 75% từ 62 tỉ USD xuống còn 16 tỉ USD, riêng lĩnh vực công nghệ giảm 96%. Theo người đứng đầu nghiên cứu Anne Hoeker, khoản đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh hơn nhiều so với chiều ngược lại do việc kiềm chế các công ty Trung Quốc của chính quyền Washington tạo ra bất ổn địa chính trị.
Tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ giảm từ 48,5 tỉ USD năm 2016 xuống chỉ còn 7,2 tỉ USD vào năm 2020. Trong khi đó, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc giảm 35% xuống còn 8,69 tỉ USD so với cùng kỳ. Dữ liệu từ Trung tâm Đầu tư Mỹ - Trung Quốc cho thấy sự sụt giảm mạnh nhất được nhìn thấy ở lĩnh vực liên quan đến công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe.
Trả lời phỏng vấn của Nikkei, bà Hoeker nói rằng một số nền kinh tế lớn đang đầu tư nhiều hơn bao giờ hết vào công nghệ và sự độc lập chuỗi cung ứng. Vài năm trước, đây không phải là vấn đề quan trọng vì chủ đề chính lúc đó của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ là làm thế nào để tiếp cận thị trường Trung Quốc. Theo bà Hoeker, gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 gây ra và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn chưa từng có đã tiếp thêm “nhiên liệu” cho xu hướng độc lập công nghệ, khiến việc tách rời công nghệ trở thành vấn đề đối với các nền kinh tế ngoài Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo của Bain & Company được đưa ra hơn một tuần sau khi cuộc điện đàm thứ hai của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra hôm 9.9. Mặc dù đã trải qua nhiều cuộc đàm phán, nhưng căng thẳng giữa hai nước không có nhiều dấu hiệu cải thiện. Thực tiễn thương mại và cạnh tranh công nghệ vẫn là trọng điểm gây tranh cãi giữa hai bên. Theo một phân tích của Nikkei, từ năm 2018 đến tháng 4.2021, Mỹ đã đưa 168 công ty Trung Quốc, không tính Huawei và hàng chục công ty thành viên, vào danh sách đen, hầu hết số này đều liên quan đến công nghệ.
Các biện pháp hạn chế của Washington đối với Huawei đã thúc đẩy nỗ lực trên toàn Trung Quốc đối với mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn nội địa hoàn chỉnh, từ thiết kế chip, vật liệu, thiết bị sản xuất đến sản xuất chip. Các chuỗi cung ứng khu vực mới bắt đầu tăng lên bên ngoài đại lục chưa đầy 1.000 ngày sau khi Mỹ áp đặt làn sóng thuế quan trừng phạt đầu tiên đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2018.
Những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Apple, Google, Amazon và Microsoft đều yêu cầu các nhà cung cấp xây dựng năng lực bên ngoài Trung Quốc do tình hình địa chính trị không chắc chắn. Bà Hoeker cho biết xu hướng tách rời vẫn tồn tại ở đây, nhưng đó sẽ là một quá trình rất dài và không có khả năng để các chuỗi cung ứng tách biệt hoàn toàn.
Theo Nikkie, báo cáo cũng cảnh báo những bất ổn “lớn” ở phía trước, nhấn mạnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng điều hướng rủi ro địa chính trị, lập kế hoạch thận trọng và đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc thúc đẩy quan hệ chính phủ, cũng như các nhóm thương mại toàn cầu. Các công ty nên hiểu “điểm mấu chốt” cụ thể trong chuỗi cung ứng của họ, nơi họ phụ thuộc vào một quốc gia hoặc nhà cung cấp duy nhất, và cố gắng tạo đủ điều kiện cho các nhà cung cấp mới để thêm khả năng phục hồi, đồng thời phải thường xuyên xem xét các kế hoạch dài hạn.
Nguồn bài viết