Nghị quyết đặt mục tiêu 100% ca nặng nguy kịch đều được điều trị, chăm sóc - Ảnh: TỰ TRUNG
Đó là nội dung được đưa ra trong nghị quyết về chương trình phòng, chống dịch COVID-19 vừa được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký, ban hành ngày 17-3.
Nghị quyết nêu rõ quan điểm huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tăng tính tự chủ, chủ động trong phòng, chống dịch.
Khẩn trương nghiên cứu tiêm vắc xin mũi thứ 4 cho người lớn
Trong đó, nhiều chỉ tiêu đáng chú ý được đưa ra như: đến hết quý 1-2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm. Bảo đảm đủ vắc xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9-2022.
Đảm bảo 100% người mắc COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe; 100% người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; 100% các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp; 100% các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch an toàn…
Để thực hiện được các mục tiêu trên, nghị quyết đưa ra các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, huy động tối đa nguồn lực và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch, thực hiện phương châm "4 tại chỗ".
Hoàn thiện các chính sách về phòng, chống dịch như nghiên cứu phát triển, hỗ trợ sản xuất trong nước, ứng dụng thuốc, quy trình thủ tục đấu thầu, mua sắm vật tư, thuốc, huy động sự tham gia của lực lượng ngoài công lập.
Để đạt được tỉ lệ bao phủ vắc xin, tăng cường vận động người dân trên cơ sở đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót. Khi đạt mục tiêu trên, khẩn trương nghiên cứu tiêm vắc xin mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi.
Thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch "5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác".
Thiết lập cơ sở dữ liệu dịch tễ học, thành lập quỹ phòng chống dịch
Đáng chú ý, nghị quyết nêu nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nhóm nguy hiểm); các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.
Thiết lập cơ sở dữ liệu dịch tễ học phục vụ cho công tác dự báo và giám sát gồm: tình hình dịch; giám sát virus; hoạt động điều trị; tiêm chủng; khả năng và hiệu quả đáp ứng phòng, chống dịch, hiệu quả điều trị của địa phương; đánh giá kháng thể kháng virus SARS-CoV-2…
Cùng với việc tăng năng lực cơ sở y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống khám chữa bệnh, sẽ kiện toàn hệ thống cấp cứu ngoại viện, như huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia. Tăng năng lực khám, chữa bệnh gắn với bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ cho người làm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết cũng nêu ra các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tài chính và hậu cần. Đơn cử như việc đảm bảo thuốc, sinh phẩm, vật tư trang thiết bị, nguồn tài chính chi cho phòng, chống dịch trên cơ sở huy động tổng thể nguồn lực, địa phương phải bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng...
Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế triển khai kịch bản phòng, chống dịch COVID-19; cho ý kiến về kịch bản, phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn. Nâng cao năng lực y tế, xây dựng cơ chế xã hội hóa thuốc, vắc xin…
Các bộ ngành khác tăng cường lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, an dân khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.