Nhiều công ty chứng khoán đang chạy đua tăng vốn điều lệ để gia tăng khả năng cho vay ký quỹ, có tiền cho hoạt động tự doanh, đầu tư công nghệ thông tin - Ảnh: BÔNG MAI
Áp lực chạy đua tăng vốn
"Hiện các công ty chứng khoán (CTCK) áp lực vì sự bất ngờ tăng trưởng về quy mô, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc này. Vốn điều lệ hiện rất nhỏ so với nhu cầu tài chính, nên tăng vốn là sự cần thiết để tạo ra CTCK có năng lực tài chính, ổn định", ông Vũ Đức Tiến, tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định.
Thời gian gần đây thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản, cao hơn bốn năm 2017 - 2020 cộng lại. Chưa kể, riêng tháng 11 năm nay thị trường chứng khoán đã chứng kiến phiên giao dịch đạt trên 56.000 tỉ đồng, tức cao gấp 4 lần so với cùng kì năm trước.
Để không bị "lỡ sóng", nhiều nhà đầu tư tăng nhu cầu vay ký quỹ (margin). Theo thống kê mới nhất từ gần 60 CTCK, tính đến cuối quý 3-2021, dư nợ cho vay margin đạt gần 154.000 tỉ đồng, tăng tới 68% so với cuối năm trước, kỷ lục lịch sử.
Khó khăn về nguồn vốn, một số CTCK rơi vào tình trạng chạm ngưỡng giới hạn margin, một số cổ phiếu "nóng sốt" lại bị hết "room" cho vay. Trong trường hợp này, không ít nhà đầu tư sẽ đổi sang giao dịch ở công ty khác.
Quy mô vốn ngang ngửa ngân hàng
Trong thời gian này, nhiều CTCK khác cũng đang chạy đua kế hoạch tăng vốn, nâng quy mô lên ngang ngửa các nhà băng.
Chẳng hạn, tại đại hội mới diễn ra, các cổ đông của Chứng khoán APEC (APS) thống nhất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỉ đồng trong năm 2022 - ngang ngửa mức vốn của Saigon Bank (3.080 tỉ đồng), KienlongBank (3.615 tỉ đồng)...
Đáng chú ý, nhờ kế hoạch tăng vốn, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong ngành chứng khoán cũng hưởng lợi. Điển hình như ngay sau khi xuất hiện tin tăng vốn điều lệ, giá cổ phiếu SSI (CTCP Chứng khoán SSI) lập tức tăng kịch trần.
Cụ thể, công ty này đã trình phương án dự kiến tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỉ đồng, duy trì vị thế doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất ngành chứng khoán.
Tương tự, sau khi thông báo ngày 6-12 tới sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường, trình phương án chào bán gần 435 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ, dự kiến huy động 4.350 tỉ đồng, giá cổ phiếu VND (Chứng khoán VNDirect) cũng tăng nóng.
Như vậy, nếu huy động thành công, VNDirect sẽ trở thành công ty có vốn điều lệ xếp thứ nhì trong ngành, với xấp xỉ 12.180 tỉ đồng.
Có thể thấy, riêng trường hợp SSI và VNDirect, vốn điều lệ dự kiến ngang ngửa một số ngân hàng tầm trung như Eximbank (12.355 tỉ đồng), OCB (13.699 tỉ đồng ), SeaBank (14.785 tỉ đồng), MSB (15.275 tỉ đồng)…
"Việc tăng vốn điều lệ lên sẽ giúp công ty tăng năng lực cung cấp thêm nguồn vốn vay margin, tăng cường đầu tư vào công nghệ, nâng cấp hệ thống, cải tiến quy trình, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự tốt, phát triển những sản phẩm mới...", ông Nguyễn Thanh Tùng - tổng giám đốc, chia sẻ sau khi Chứng khoán Yuanta Việt Nam được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt tăng vốn lên 2.000 tỉ đồng.
Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường tăng nóng, tăng vốn điều lệ cũng là cách giúp nhiều CTCK có thêm nguồn tiền để rót vào hoạt động tự doanh, với kỳ vọng đẩy lợi nhuận tăng.
Bộ Tài chính từng phát cảnh báo vào giữa năm 2021, yêu cầu các công ty chứng khoán (CTCK) dừng hoạt động "biến tướng" huy động vốn từ khách hàng.
Nguyên nhân của sự việc trên là trong lúc bị "căng cứng" margin, một số CTCK mới nghĩ ra hình thức "hợp tác đầu tư" với các khách hàng có tiền nhàn rỗi, dùng tiền này mang bổ sung cho hoạt động kinh doanh.
Cách làm này giúp CTCK có tiền liền, nhanh hơn so với việc chờ huy động theo cách truyền thống - nếu chờ trình đại hội cổ đông thì phải mất nhiều tháng tiền mới thực sự về, tuy nhiên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.
Đến thời điểm hiện nay, việc CTCK tăng vốn qua con đường chính thống, cũng trở thành động lực để thị trường chứng khoán tăng trưởng.