Công nhân dè sẻn từng bữa ăn nhưng chia sớt cho nhau từng cọng rau, con ốc

3 năm trước 1638
Công nhân dè sẻn từng bữa ăn nhưng chia sớt cho nhau từng cọng rau, con ốc - Ảnh 1.

Ông Đặng Hoàng Định, phó chủ tịch UBND phường Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) trao quà cho công nhân ăn chống dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ngày 17-8, anh Đoàn Quốc Huy, công nhân ở Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết gần 1 tháng qua kể từ ngày công ty cho nghỉ để phòng chống dịch bệnh COVID-19 thì anh đã cố gắng dè sẻn hết mức có thể để lo cho mỗi bữa ăn hằng ngày.

Dãy phòng trọ của anh Huy ở có khoảng 18 phòng (mỗi phòng rộng chưa khoảng 12m2, nhưng anh phải chi trả 800.000 đồng/tháng, chưa tính điện, nước). Và với mức lương công nhân khoảng 5 triệu đồng/tháng của anh Huy chỉ đủ để đóng trọ và gia đình ăn uống mỗi ngày.

Khi Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội, anh Huy và hàng trăm công nhân khác ở Khu công nghiệp Trà Nóc phải nghỉ việc. Số tiền lương ít ỏi tháng trước còn sót lại, anh gói ghém mua gạo, mì, dầu ăn, nước mắm… và trứng gà để dành.

Vừa xé gói mì, anh Huy vừa chùng giọng nói: "Gần 1 tháng rùi tui có mần mụn gì được đâu. Đồ ăn tui mua để dành sẵn đó cũng đã ăn hết. Giờ túi tui cũng hổng có đồng nào nên cô Hương và mọi người cho gói mì, lon gạo… ăn đỡ lây lất qua ngày".

Để có bữa ăn, mỗi ngày anh Huy xách cái thùng nho nhỏ đi ra sau hè bẻ rau muống và bắt mớ ốc đồng rồi mang về chia sớt cho bà con ở chung xóm trọ ăn.

Rau muống anh Huy nấu canh chua. Còn ốc đồng anh sẽ luộc hoặc kho sả ớt - món ăn dân dã đồng quê đó, anh và mọi người ở xóm trọ cùng ăn.

Công nhân dè sẻn từng bữa ăn nhưng chia sớt cho nhau từng cọng rau, con ốc - Ảnh 2.

Anh Huy bắt ốc, bẻ rau muống về chia sớt lại cho mọi người ở chung xóm trọ ăn - Ảnh: CHÍ CÔNG

"Ở đây ai có gì ngon, có gì ăn cũng chia sớt nhau. Lon gạo, một dĩa rau muống luộc hay mớ ốc đồng ăn mà tui thấy nó quý ở tấm lòng lắm" - bà Trần Thị Lan Hương, ở cùng xóm trọ với anh Huy, cho biết.

Ông Nguyễn Hùng Việt, chủ tịch UBND phường Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cho biết địa phương có khoảng 95 công ty, xí nghiệp với 21.000 công nhân lao động sản xuất. 

Vì thế, để đảm bảo công tác an sinh xã hội chăm lo cho đời sống công nhân ở trọ trong mùa dịch bệnh COVID-19, địa phương cũng gặp gỡ chủ nhà trọ giảm tiền cho công nhân; vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các mặt hàng nhu yếu phẩm gạo, mì, nước tương, dầu ăn, thịt, cá và rau củ các loại… giúp họ có bữa ăn hằng ngày chống dịch.

Nhận món quà ý nghĩa của địa phương, anh Nguyễn Văn Đoàn, công nhân ở Khu công nghiệp Trà Nóc, bộc bạch: "Có 10kg gạo, 1 thùng mì và trứng này tui nhẹ lo cái ăn. Thiệt tình, tui cảm ơn địa phương và các nhà hảo tâm nhiều lắm".

Còn chị Nguyễn Thị Bích Trâm, công nhân ở Khu công nghiệp Trà Nóc, chia sẻ: "Địa phương quan tâm chúng tôi lắm. Hôm nay được nhận rau củ, sữa, mì, gạo và trứng… tôi vui lắm vui. Tôi hy vọng dịch giã sớm qua đi để mọi người trở lại cuộc sống đời thường".

Chị Bích Trâm cho rằng, các chủ nhà trọ ở hẻm 172 Lê Hồng Phong (phường Trà Nóc) có người miễn phí tiền trọ như anh Sơn (chủ trọ Hải My) và cũng có người cho công nhân mượn tiền mua đồ ăn hay mua thuốc uống như anh Tài (chủ trọ Tấn Tài). Càng khó khăn, chủ trọ và công nhân ở trọ phường Trà Nóc càng quan tâm nhau, rồi cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19.

UBND phường Trà Nóc trong thời gian qua đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ người nghèo và công nhân ở địa phương các nhu yếu phẩm: gạo, mì, trứng, thịt và rau, củ (với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng). Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục vận động, chăm lo an sinh xã hội để khi dịch bệnh đi qua công nhân sẽ lao động sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình.

Công nhân dè sẻn từng bữa ăn nhưng chia sớt cho nhau từng cọng rau, con ốc - Ảnh 3.

Gia đình chị Bích Trâm vui mừng vì được địa phương quan tâm hỗ trợ gạo, mì, trứng ăn qua những ngày khó khăn mùa dịch bệnh - Ảnh: CHÍ CÔNG

Xóm trọ nghèo ở TP.HCM và nghĩa tình sẻ chiaXóm trọ nghèo ở TP.HCM và nghĩa tình sẻ chia

TTO - Qua bao chốt kiểm dịch, chúng tôi về những xóm trọ cạnh các khu công nghiệp tại TP.HCM - nơi ở của hàng ngàn người lao động từ mọi miền đất nước đang gặp khó khăn...

Nguồn bài viết