Công nghệ 'Make in Vietnam' chinh phục thị trường Nhật Bản

2 năm trước 217

Nhiều người tỏ ra rất thích thú với công nghệ này. Thậm chí, một số tập đoàn lớn của Nhật Bản đã đặt vấn đề hợp tác với Tập đoàn CMC - đơn vị sở hữu CIVAMS - để ứng dụng công nghệ này ở Nhật Bản.
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc CMC Japan - một công ty con của Tập đoàn CMC chuyên phục vụ thị trường Nhật Bản, cho biết việc giới thiệu CIVAMS và các giải pháp công nghệ khác của CMC tại IT Week Japan là một bước đi mới của CMC nhằm quảng bá các công nghệ “Make in Vietnam” ở thị trường đầy tiềm năng này.

Chú thích ảnhKhách tham quan trải nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt CIVAMS của CMC. Ảnh: TTXVN phát

Bước khởi đầu khó khăn
 
Với dân số già và lại đang khan hiếm lao động, đặc biệt kỹ sư công nghệ, Nhật Bản đang là một trong những mảnh đất màu mỡ cho các tập đoàn công nghệ. “Đất nước Mặt trời mọc” càng trở nên “long lanh” trong mắt giới công nghệ trên khắp thế giới sau khi chính quyền của cựu Thủ tướng Yoshihide Suga đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình số hóa ở nước này, trong đó có việc thành lập Cơ quan Kỹ thuật số vào đầu tháng 9/2021. Vì thế, không ít tập đoàn công nghệ trên thế giới đã tìm cách xâm nhập và khai thác thị trường này. Và CMC là một trong những tập đoàn như vậy. 
 
Trong nỗ lực tìm đường vào Nhật Bản, CMC đã thành lập CMC Japan vào tháng 8/2017, với trụ sở chính ở Yokohama - một thành phố đầy năng động giáp thủ đô Tokyo. Tuy nhiên, khi mới “chân ướt, chân ráo” bước chân vào thị trường Nhật Bản, CMC Japan gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ vào thời điểm mới thành lập, công ty chỉ có hai nhân viên chính thức, trong đó có một giám đốc người Nhật. Trong năm đầu tiên thành lập, CMC chỉ có duy nhất một khách hàng, với doanh thu chưa đầy 3.000 USD.
 
Tuy nhiên, với cam kết “đầu tư lâu dài và trọng điểm vào thị trường Nhật Bản”, CMC vẫn kiên định đầu tư và trong các năm sau đó, CMC Japan đã không ngừng phát triển vượt bậc về cả quy mô, doanh thu và thị phần. Từ chỗ chỉ có 2 nhân viên, công ty hiện có 60 nhân viên ở Nhật Bản và hơn 200 người ở Việt Nam phục vụ thị trường này. Trong hai năm 2018 và 2019, doanh thu của CMC Japan đều đạt tỷ lệ tăng trưởng trên 200%. 
 
Khi mọi việc đang tiến triển thuận lợi, dịch COVID-19 lại bùng phát vào đầu năm 2020. Do tác động tiêu cực của dịch bệnh này, nhiều khách hàng của CMC Japan đã phải cắt giảm ngân sách dành cho việc ứng dụng công nghệ, khiến doanh thu của công ty vẫn sụt giảm nghiêm trọng so với kế hoạch ban đầu cho dù vẫn tăng gần 60% so với năm 2019. Sau gần 2 năm sống chung với dịch bệnh, hiện nay, CMC Japan đang từng bước quay lại đà phát triển mạnh, số lượng các khách hàng đặt vấn đề hợp tác với CMC Japan đã tăng lên đáng kể.
 
Nâng tầm công nghệ Việt

Chú thích ảnhGian hàng của CMC Japan tại Tuần lễ Công nghệ Thông tin Nhật Bản 2021. Ảnh: TTXVN phát

Sau hơn 4 năm đặt chân tới Nhật Bản, CMC Japan hiện có quan hệ hợp tác với hơn 50 khách hàng danh tiếng như Softbank Technology, Si&C, SRA, Intage và OST... và đang không ngừng vươn lên trong lĩnh vực gia công phần mềm ở thị trường này. Trong bối cảnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Hằng khẳng định bây giờ chính là thời điểm chín muồi để đưa CMC Japan bước vào giai đoạn phát triển mới. 
 
Trong giai đoạn này, CMC Japan sẽ tăng cường đầu tư và mở rộng hoạt động ở thị trường Nhật Bản nhằm đón đầu các cơ hội trong thời hậu dịch COVID-19. Ngoài trụ sở chính ở Yokohama và văn phòng mới mở ở Osaka, CMC Japan dự kiến sẽ mở thêm 4 văn phòng khác tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, CMC Japan sẽ nâng tổng số nhân viên ở Nhật Bản vào năm 2025 lên 200 người cùng với đội ngũ 2.000 người ở Việt Nam phục vụ cho thị trường này. 
 
Cùng với việc đầu tư mở rộng đầu tư, CMC Japan cũng tập trung vào việc giới thiệu các công nghệ mới “Make in Vietnam” ở Nhật Bản. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ: “Tôi thường nói vui với nhân viên rằng outsourcing giống như đi cày. Anh em ngồi code thì ra tiền, nhưng khi buông cày thì không làm ra thóc. Nếu tiếp tục làm như vậy, mình chỉ bán sức lao động. Vì vậy, CMC Japan muốn đưa các sản phẩm kết tinh trí tuệ Việt sang Nhật Bản”. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, ở Việt Nam, CMC đã ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ tiên tiến như chữ ký điện tử online, hệ thống hóa đơn điện tử C-Invoice, giải pháp phân tích và quản lý hình ảnh thông minh CIVAMS… Các sản phẩm này hoàn toàn có thể ứng dụng rộng rãi ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tại Japan IT 2021, CMC Japan chỉ giới thiệu ba sản phẩm chủ chốt của CMC, gồm CIVAMS, Dịch vụ giám sát an ninh, an toàn thông tin SOC và Giải pháp điện toán đám mây CMC Cloud. 
 
Được phát triển bởi Viện Nghiên cứu CMC (CIST) dựa trên công nghệ xử lý hình ảnh thông minh, CIVAMS có khả năng phân tích video, nhận diện khuôn mặt, nhận dạng danh tính, đo thân nhiệt, giúp kiểm soát ra vào tại các khu vực cần bảo mật cao hoặc những nơi có lưu lượng người ra vào lớn. Kết quả thử nghiệm thực tế, độ chính xác của CIVAMS lên tới 99,2% với điều kiện ánh sáng tự nhiên, gương mặt không che chắn và 98,95% với gương mặt đeo khẩu trang, các gương mặt có thể được nhận diện từ nhiều góc độ. Bên cạnh đó, CIVAMS có thể nhận diện khuôn mặt trong cơ sở dữ liệu lớn trên 6 triệu ID người dùng cùng tốc độ nhận diện cao 200m/s. 
 
Lý giải về việc lựa chọn CIVAMS cho kế hoạch mở rộng hoạt động ở Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Thu Hằng nói: “Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu kiểm soát an ninh không tiếp xúc như nhận diện gương mặt tăng cao, với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 lên tới 17,2%/năm và tổng doanh thu 8,5 tỷ USD, trong đó Nhật Bản được dự đoán có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với trung bình toàn cầu”. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, CMC Japan dự định sẽ hợp tác với các nhà dưỡng lão ở Nhật Bản để giới thiệu CIVAMS. Công ty lựa chọn các nhà dưỡng lão để giới thiệu CIVAMS bởi vì, trong ngành dưỡng lão ở Nhật Bản, chi phí nhân công chiếm tỷ trọng khá lớn. Vì vậy, việc ứng dụng CIVAMS sẽ giúp các cơ sở này tiết kiệm chi phí. Tại các nhà dưỡng lão, CIVAMS có thể sử dụng nhằm kiểm soát ra vào, theo dõi thông minh và phát hiện kịp thời các tình huống nguy hiểm với các cụ già. 
 
“Trong giai đoạn đầu, việc ứng dụng CIVAMS tại các nhà dưỡng lão, cơ sở y tế của Nhật Bản là hướng đi chiến lược của CMC tại thị trường này”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng khẳng định.
 
Ngoài các nhà dưỡng lão, CIVAMS có thể triển khai rộng rãi tại các trường học, bệnh viện, khu công sở, trung tâm thương mại và trên các phương tiện giao thông như một giải pháp đáng tin cậy cho kiểm soát nhân sự và an ninh công cộng nhờ tốc độ nhận diện nhanh và độ chính xác cao.
 
Trong khi đó, dịch vụ giám sát an ninh, an toàn thông tin SOC có khả năng phát hiện, cách ly, xử lý các sự cố của hệ thống thông tin 24/7. Quy trình báo cáo, xử lý sự cố của SOC tuân thủ chính sách an ninh thông tin theo chuẩn quốc tế ISO 27035:2009 và ISO 27001. Còn đối với CMC Cloud, hệ thống này có các đặc điểm nổi bật là tính khởi tạo nhanh chóng; bảo mật và tin cậy; và tối ưu chi phí.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh “đi một mình không thể đi nhanh được”. Vì vậy, CMC Japan sẽ hợp tác với các tập đoàn của Nhật Bản để triển khai các sản phẩm này. Riêng với CIVAMS, tại IT Week Japan 2021, có tới 12 tập đoàn của Nhật Bản đã quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ này của CMC vào thực tế.
 
Ngoài việc giới thiệu các công nghệ của CMC tại Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Thu Hằng tiết lộ hiện nay, các kỹ sư của CMC Japan đang nghiên cứu và phát triển các sản phẩm để phục vụ riêng cho thị trường Nhật Bản như robot hỗ trợ người già, ghi nhận chỉ số sức khỏe tự động... Nếu thành công, các sản phẩm đó sẽ giúp nâng tầm công nghệ Việt ở thị trường Đông Bắc Á này.

Nguồn bài viết