Miền Trung cần nhiều "sếu đầu đàn" như THACO và có chính sách liên kết vùng mạnh mẽ để công nghiệp cất cánh - Ảnh: HỮU HẠNH
Đó là đề xuất và hiến kế của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý đưa ra tại hội thảo "Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 17-12 ở Quảng Nam.
Đã yếu còn cạnh tranh nhau
Ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp, đánh giá miền Trung là nơi quy tụ hệ thống cảng biển lớn, nhiều mỏ khoáng sản giá trị cao, sở hữu đường bờ biển dài, có tiềm năng lớn phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo.
Tận dụng thế mạnh, nhiều tỉnh năng động thực hiện chính sách thu hút đầu tư, bước đầu hình thành một số tổ hợp công nghiệp quy mô rất lớn như tổ hợp cơ khí ô tô, công nghiệp hỗ trợ Chu Lai (Quảng Nam), tổ hợp sản xuất kim loại tại Dung Quất (Quảng Ngãi).
"Tuy nhiên vấn đề liên kết vùng phát triển công nghiệp tại miền Trung vẫn là một khâu yếu kìm hãm sự phát triển", ông Hoài nhận định.
Theo ông Hoài, lâu nay các địa phương phát triển công nghiệp tự phát, chưa có tính chất liên kết, tương hỗ lẫn nhau. Vấn đề lớn nhất hiện nay là các tỉnh có lợi thế so sánh tương đối giống nhau, phần lớn có cơ cấu thu hút đầu tư tương tự và sản phẩm công nghiệp tương tự, vô tình tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết.
Ông Đặng Bá Dự, giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam, cho rằng việc thiếu liên kết lâu nay giữa các doanh nghiệp, các địa phương vô tình đã kìm hãm sự phát triển, lãng phí tài nguyên năng lực mỗi đơn vị, tăng sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.
"Công nghiệp ô tô nước ta có khoảng 20 doanh nghiệp lắp ráp lớn nhưng chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Còn Thái Lan có 16 doanh nghiệp nhưng có tới gần 700 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, đây là những con số cần phải suy nghĩ", ông Dự nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, miền Trung đã làm tốt việc liên kết du lịch, nhưng về công nghiệp vẫn là chuyện gây đau đầu. Từ khi chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1997) tỉnh rất tự hào về chuyển biến công nghiệp, trong đó có vai trò dẫn dắt của Thaco nhưng liên kết nội vùng, khu vực hay các doanh nghiệp trong tỉnh như thế nào để cùng phát triển là một bài toán cần lời giải.
Liên kết để tận dụng thế mạnh chung
Ông Trần Phước Hiền, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng miền Trung có nhiều điểm tương đồng nên thường chồng chéo nhau trong việc phát huy thế mạnh, cần có một nhạc trưởng cho toàn vùng. "Quảng Ngãi có luyện thép, luyện kim. Quảng Nam thì có công nghiệp ô tô, nhưng trong thời gian dài vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong liên kết không rõ nét, doanh nghiệp đều tự đi kết nối với nhau", ông Hiền nói.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, phó giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho rằng tính chất nhỏ hẹp của mảng công nghiệp khiến vấn đề liên kết trong miền Trung trở nên cần thiết hơn. Đà Nẵng đang tìm hướng bắt tay với Quảng Nam, trong đó nổi bật là một công ty sản xuất cao su đã bắt tay với Thaco.
"Chúng ta bắt tay để cùng phát triển chứ không cạnh tranh nhau. Đà Nẵng có hệ thống các đại học, có khu công nghệ cao nên sẵn sàng bắt tay cùng Quảng Nam, Quảng Ngãi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao", bà Mai nói.
Ông Đào Phan Long, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, cho biết nội lực của Việt Nam là rất lớn, vấn đề đặt ra để khai thác lợi thế là chính sách từ Nhà nước ra sao. "Bản chất của cơ khí là liên kết, ai làm lĩnh vực này cũng phải bắt tay chia sẻ với nhau. Sau 20 năm phát triển công nghiệp miền Trung thì chúng ta cần đánh giá lại. Các tỉnh miền Trung có điều kiện tương đồng nhau dẫn đến dễ chồng chéo. Do đó cần làm quy hoạch theo từng địa phương, nếu dàn hàng ngang thì rất khó", ông Long nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp), nói rằng muốn công nghiệp phát triển tốt thì trước tiên phải có hạ tầng tốt. Quy mô sản xuất của miền Trung quá nhỏ nên đặt vấn đề liên kết vùng là chưa đủ mà cần liên kết liên vùng, liên kết tầm khu vực. Muốn vậy chính quyền phải đóng vai trò là các "start-up", là người dẫn dắt, cải thiện môi trường đầu tư.
"Thực tế cho thấy các chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh miền Trung nhiều năm qua ở vị trí thấp. Những mô hình kiểu mẫu như Thaco ở Quảng Nam là cần thiết, khi Thaco phát triển thì tạo cơ hội cho một hệ sinh thái phát triển theo", bà Thúy gợi ý.
Nhà nước cần đóng vai trò nhạc trưởng
Theo đại diện Bộ Công Thương, miền Trung đã hình thành một số mô hình liên kết có thể sẽ là mô hình trong tương lai mà cụm liên kết doanh nghiệp do Công ty TNHH Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (Thaco Industries, Chu Lai).
Đến nay Thaco Industries có khoảng 20 công ty con sản xuất, cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, ô tô, công nghiệp chế tạo khác. Cụm các doanh nghiệp này cũng đồng thời cung cấp đa dạng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các chuỗi cung ứng công nghiệp chế tạo trên cả nước.
Câu chuyện của Thaco Industries cho thấy Quảng Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm liên kết các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, chế biến theo định hướng của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi hoàn toàn có tiềm năng để hình thành mô hình liên kết phát triển công nghiệp sản xuất kim loại, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở lợi thế cạnh tranh về ngành thép của Quảng Ngãi, ngành cơ khí Quảng Nam và hệ thống khu công nghệ cao, khu công nghiệp, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng.
Theo ông Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội, phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, để phát huy liên kết thì cần nhất là người dẫn dắt và người khởi xướng. "Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc mà cần đưa ra ưu đãi để doanh nghiệp "đầu đàn" thực sự trở thành người đỡ đầu, cung cấp các điều kiện để doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi.
Nhà nước đóng vai trò quy hoạch, định hướng để phân công đầu việc ai sẽ làm gì trong chuỗi. Trong câu chuyện của miền Trung thì cần đặt quy hoạch miền Trung trong quy hoạch tổng thể tầm quốc gia, hình thành thị trường cho các nhà sản xuất phụ trợ", ông Cường nói.