Bí thư Đảng ủy phường 16 (quận 4, TP.HCM) Phan Toàn Thắng: "Cán bộ, công chức phường làm việc không có thời gian".
Nhận định này là điểm chung trong nhiều ý kiến tại diễn đàn kết nối công chức trẻ "Chuyện ở phường" do Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM phối hợp cùng Quận đoàn quận 4, Câu lạc bộ Cán bộ trẻ quận 4 tổ chức chiều 24-5.
Chị Dương Thị Ngọc Thương - chủ tịch UBND phường 3 (quận 4) - dẫn ra nhiều vướng mắc trong phối hợp giữa cấp phường với quận và thành phố hiện nay, chẳng hạn muốn sửa trụ sở công an phường phải chờ quyết định của thành phố chứ quận không quyết được. Chị Ngọc Thương đề xuất phân cấp quyền cho công an quận quyết định việc này thay vì chờ thành phố.
Chị Ngọc Thương còn tâm tư khi giữa phường và quận thống nhất, đề xuất tận dụng phần dạ cầu được sửa chữa, đảm bảo vệ sinh chung để người dân có thể buôn bán, tránh việc lấn chiếm lòng lề đường vì họ đã sống ở đó lâu năm, từng bị ảnh hưởng vì việc giải tỏa mặt bằng xây dựng chính cây cầu ấy, nhưng gửi lên trên thì bị bác.
"Nếu bác thì cũng mong cấp cao hơn chia sẻ có giải pháp nào khả thi hơn không, điều này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của cấp trên với cơ sở", chị Thương nói.
Chủ tịch UBND phường 3 (quận 4) Dương Thị Ngọc Thương phát biểu tại diễn đàn.
Nhiều ý kiến băn khoăn về chế độ đãi ngộ, thu nhập của cán bộ, công chức phường hiện nay. Bí thư Đoàn phường 13 (quận 4) Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói khoảng 60% cán bộ ở phường là không chuyên trách, phần lớn đều trẻ nhưng không thuộc diện được nâng lương theo niên hạn, và thu nhập chừng trên dưới 5 triệu đồng/tháng, khó đảm bảo đời sống.
Chia sẻ góc nhìn khác, bí thư Đảng ủy phường 1 (quận 4) Đỗ Chí Chinh nói quy định luân chuyển công tác với cán bộ phường trong 5 chức danh theo quy định cần tính đến những việc liên quan.
Đó là chuyện quy hoạch cán bộ, theo anh Chinh, khi chuyển qua đơn vị mới cần giữ nguyên quy hoạch cho cán bộ này từ đơn vị cũ, tránh "xóa hết làm lại", gây tâm lý hoang mang trong công tác.
Bí thư Đảng ủy phường 16 (quận 4) Phan Toàn Thắng nói cán bộ phường làm việc gần như không có thời gian. Dẫn chứng là dù đang ở đâu, làm gì nhưng khi trong phường có người mất, cán bộ tư pháp hộ tịch và cả lãnh đạo phường phụ trách cũng phải vào để hoàn tất hồ sơ, ký giấy tờ báo tử để người dân lo các thủ tục liên quan bất kể giờ nào!
Nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo: "Thực tiễn chứng minh phường là nơi sát dân, gần dân nhất".
Nhưng phường là nơi liên hệ, tiếp xúc với dân nhiều nhất. Rõ nhất qua đợt dịch COVID-19 vừa qua, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo chỉ ra "mỗi phường chính là một pháo đài trong phòng chống dịch, sát dân, gần dân hơn bất kỳ cơ quan nào".
Bà Thảo nói không thể cào bằng số lượng cán bộ công chức như nhau giữa các phường. "Phải tùy đặc thù, quy mô, tính chất của phường để có số cán bộ phù hợp vì phường 10.000 dân yêu cầu và khối lượng công việc sẽ khác phường có 50.000 dân", bà Thảo nêu vấn đề.
Chủ tịch UBND quận 4 Lê Văn Chiến nói có những yêu cầu về báo cáo, nhất là trong đợt dịch vừa rồi là điển hình của áp lực với cán bộ phường, cho thấy yêu cầu cải cách hành chính còn rất lớn.
"Có nhiều quy định không thuộc thẩm quyền thành phố và mong muốn được nêu ra đây để kiến nghị với trung ương sửa đổi sao cho hợp lý", ông Chiến phát biểu.
Bí thư Đảng ủy phường 1 (quận 4) Đỗ Chí Chinh chia sẻ: "Luân chuyển cán bộ tránh gây tâm lý hoang mang ảnh hưởng công tác".
37 cán bộ cho phường cả trăm ngàn dân
Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết có nhiều vấn đề bất cập từ thực tiễn hoạt động được thành phố nhìn ra, đang tham mưu để kiến nghị trung ương sửa đổi.
"Nếu đúng quy định chỉ với 37 cán bộ, công chức phường, xã thì làm sao giải quyết hết nổi công việc của phường có cả trăm ngàn dân như tại quận Bình Tân hiện nay", bà Thắm nêu ý kiến.
Bà Thắm nói sẽ tổng hợp các ý kiến từ chính các bạn đang trực tiếp công tác tại diễn đàn để tham mưu với thành phố liên quan đến nhiều vấn đề: chế độ chính sách, tuyển dụng, thu nhập…