Lính cứu hỏa cố gắng dập lửa ở làng Pefki, trên đảo Evia, Hy Lạp, ngày 8-8 - Ảnh: REUTERS
Báo cáo Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở khoa học vật lý do 234 tác giả soạn thảo. Sau 2 tuần họp trực tuyến từ 26-7 đến ngày 6-8-2021, từng dòng khuyến nghị được đại diện các chính phủ xem xét, sửa đổi; cuối cùng báo cáo đã được 195 chính phủ chấp thuận trong khuôn khổ phiên thứ 54 của IPCC.
Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm từ lở đất ở Ấn Độ, nắng nóng khắc nghiệt và hỏa hoạn ở Bắc Mỹ, lũ lụt ở châu Âu và Trung Quốc... trong những tháng gần đây chỉ là màn dạo đầu về những gì sẽ xảy ra nếu Trái đất tiếp tục nóng dần lên.
Những sự kiện này cũng cho thấy các nước chưa chuẩn bị kịp với tốc độ tác động của biến đổi khí hậu.
Giờ đây, khi khí hậu đã biến đổi, thiên tai sẽ gia tăng về cường độ và tần suất, trừ khi chúng ta nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải, chủ yếu là khí carbon (CO2).
Lượng khí thải carbon cần nhanh chóng giảm xuống trong thập kỷ này và giảm xuống mức bù trừ bằng không vào năm 2050. Như vậy, thế giới mới có cơ hội tốt nhất để giới hạn nhiệt độ ở mức 1,5°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900) vào cuối thế kỷ này.
Báo cáo chỉ ra nguy cơ lớn, nhưng không loại bỏ cơ hội đạt được điều đó, dù cơ hội "đang khép lại cực kỳ nhanh chóng".
Ông Alok Sharma, chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, cho biết: "Các bằng chứng là rõ ràng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện diện khắp nơi trên thế giới, Nếu không hành động bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những tác động tồi tệ nhất đến sinh mạng, sinh kế và môi trường tự nhiên".
Ông Sharma nói thêm: "Thông điệp của chúng ta đến các quốc gia, chính phủ, các doanh nghiệp… rất đơn giản. Thập kỷ tới có vai trò quyết định. Hãy tin tưởng ở khoa học và thực hiện trách nhiệm của mình để mục tiêu đảm bảo Trái đất không nóng thêm 1,5°C".
Một hồ nước gần Las Vegas, bang Nevada, Mỹ gần khô cạn do nắng nóng kéo dài - Ảnh: AFP
Các chính phủ và doanh nghiệp cần giảm phát thải ngay lập tức, để giảm 1/2 lượng khí ô nhiễm vào năm 2030 và tiến đến mức bù trừ carbon bằng 0 hoàn toàn vào năm 2050.
Do rất khó bỏ carbon ra khỏi khí quyển, điều quan trọng nhất là không tạo ra phát thải ngay từ đầu bằng cách ngừng trợ cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, dừng các dự án thăm dò dầu khí mới…
Bảo vệ và khôi phục thế giới tự nhiên càng nhiều càng tốt. Nghiên cứu cho thấy bảo vệ những khu rừng hiện có tốt hơn là trồng thêm những khu rừng mới.
Cây cối bốc cháy trong đám cháy rừng Dixie gần Greenville, California ngày 3-8 - Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: "Báo cáo viết cho những người đọc tỉnh táo. Rõ ràng thập kỷ tới là thời điểm then chốt để đảm bảo tương lai của hành tinh chúng ta. Chúng ta biết phải làm gì để hạn chế sự nóng lên toàn cầu - đưa than đá vào dĩ vãng và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch, bảo vệ thiên nhiên và cung cấp tài chính khí hậu cho các quốc gia có vai trò khí hậu then chốt".
"Tôi hy vọng báo cáo sẽ là lời cảnh tỉnh cho thế giới để hành động ngay bây giờ", ông Johnson nhấn mạnh.