Công bố báo cáo tổng quát đầu tiên về bình đẳng giới ở Việt Nam

3 năm trước 228
Chú thích ảnhĐại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam Elisa Fernandez Saenz và Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Ông Andrew Jeffries thực hiện nghi thức công bố Báo cáo. Ảnh: TTXVN phát

Bình đẳng giới - cốt lõi của sự phát triển bền vững ở Việt Nam

Phát biểu tại Lễ công bố, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên có một bản báo cáo tổng quát về bình đẳng giới được thực hiện ở Việt Nam. Báo cáo áp dụng lăng kính rộng hơn về bình đẳng giới bao gồm các thảo luận về tính đa dạng giới, xu hướng tình dục, đồng thời nhấn mạnh dữ liệu liên quan đến các vấn đề mang tính liên tầng như dân tộc, tình trạng khuyết tật, độ tuổi...

“Những phân tích của báo cáo đã chỉ ra rằng bình đẳng giới không phải là vấn đề bên lề, mà là cốt lõi đối với chất lượng, sự lâu dài và những tiến bộ thu được từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Vì vậy, để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới, hành động ngay lập tức và báo cáo đã đưa ra định hướng rõ ràng thông qua những khuyến nghị cụ thể”, bà Elisa Fernandez Saenz kêu gọi.

Theo Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, từ năm 2000, Việt Nam đã tiến hành đánh giá quốc gia về giới 5 năm một lần. Nỗ lực liên ngành này nhằm cung cấp một cái nhìn tổng thể về những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được đối với các dữ liệu chính về bình đẳng giới cũng như đưa ra các phân tích, khuyến nghị để giải quyết các rào cản đối với tiến bộ cũng như thu hẹp khoảng cách về giới.

Mỗi báo cáo riêng lẻ đã xác định các vấn đề hoặc chênh lệch về giới trong các lĩnh vực báo cáo điều tra - từ quản trị, lao động, nông nghiệp, kinh doanh, giao thông và kết nối, phát triển đô thị, đời sống gia đình, bảo trợ xã hội, di cư, biến đổi khí hậu.

“Từ báo cáo hằng năm này, rõ ràng bình đẳng giới là cốt lõi của bình đẳng thực sự, bền vững và tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh.

Báo cáo là một nguồn thông tin hữu ích để hỗ trợ lồng ghép giới trong quá trình chuẩn bị Khung hợp tác phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNSDCF) cho giai đoạn 2022-2027. Đối với các đối tác phát triển khác và các bên liên quan làm việc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bản Báo cáo được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như một kim chỉ nam hữu ích để giám sát tiến độ thực hiên Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua lăng kính đáp ứng giới.

Dịch COVID-19 tác động nặng nề hơn tới phụ nữ Việt Nam

Được thực hiện trong vòng một năm, báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 hội tụ kiến thức, ý kiến tham mưu và cống hiến của tập thể nhiều cơ quan và cá nhân, trong đó có Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Tổng cục Thống kê; kết hợp giữa chuyên môn trong nước và quốc tế.

Thông qua các bằng chứng và số liệu cụ thể, báo cáo phân tích chuyên sâu tiến độ thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam dựa trên các chỉ số kinh tế-xã hội, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để giải quyết các rào cản đang làm cản trở việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, bao gồm các chỉ tiêu liên quan tới bình đẳng giới.

Đặc biệt, bản báo cáo được thực hiện khi Việt Nam đang ứng phó với làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư trên cả nước. Do đó, báo cáo đã dành một dung lượng tương đối lớn để phản ánh những tác động của đại dịch đối với phụ nữ và khoảng cách về giới ở Việt Nam.

“Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề hơn tới phụ nữ ở Việt Nam, làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới vốn đã tồn tại dai dẳng trên thị trường lao động. Chẳng hạn, báo cáo cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng nhẹ lên 10,8%. Trước đại dịch, không có sự khác biệt trong tỷ lệ thất nghiệp của nam giới và nữ giới, nhưng khoảng cách chênh lệch này đã xuất hiện kể từ quý III/2020. Nhiều bà mẹ có con nhỏ không còn lựa chọn nào khác là phải hy sinh sự nghiệp hay rời khỏi thị trường lao động để chăm con khi trường học đóng cửa”, bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo.

Bà Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh, phụ nữ Việt Nam đang phải mang “gánh nặng kép” giữa công việc được trả lương và công việc chăm sóc không được trả lương. Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phụ nữ đã phải đảm nhận công việc chăm sóc trong gia đình nhiều gấp đôi so với nam giới, mà đây là rào cản hàng đầu ngăn cản phụ nữ tham gia, duy trì và thăng tiến trong lực lượng lao động. Đại dịch đã làm gia tăng sự phân chia công việc không công bằng này.

Từ thực tế trên, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, vào thời điểm hiện nay khi Việt Nam đang trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19, đây chính là cơ hội để xây dựng một tương lai công bằng hơn cách đưa bình đẳng giới làm cốt lõi của các nỗ lực phục hồi và thực hiện các chiến lược đáp ứng giới.

Cùng với đó, trong báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị với các cơ quan nhà nước Việt Nam để thay đổi trên phạm vi rộng vấn đề bình đẳng giới, trong đó nêu bật ba lĩnh vực hành động chính: Tăng cường thực hiện các cam kết hiện có về bình đẳng giới; giải quyết các rào cản cơ bản đối với bình đẳng giới và thúc đẩy tiến bộ bình đẳng giới trong thập kỷ tới.

Nguồn bài viết