Cô tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế: "Ở một mình riết rồi cũng quen" - Video: THÁI BÁ DŨNG - HUỲNH VY - TRINH TRÀ
Kiều nuôi gà vừa lấy trứng ăn, vừa bán kiếm tiền trang trải chi phí hằng ngày - Ảnh: B.D.
Nhiều năm nay, có một người mẹ tàn tật ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đã cùng cô con gái vượt hành trình đầy nhọc nhằn để mưu sinh, nuôi giấc mơ đổi phận cho con.
Tự đi học, tự lớn lên
Trên tuyến đường đi qua xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên có một túp lều thưng bằng tôn cũ, rộng cỡ 20m2 nằm trước một khu nghĩa địa. Túp lều ấy vừa là chỗ ở, vừa là tiệm hàng tạp hóa của Nguyễn Thị Tú Kiều cùng người mẹ liệt chân là bà Nguyễn Thị Yến.
Vì hoàn cảnh, Kiều phải sớm hành trình tự lập từ năm mới lên lớp 4. Sau nhiều năm hai mẹ con sống trong nhà người thân thì ngoại cắt cho một miếng đất nhỏ ở trong thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Hai mẹ con tách ra dựng một túp lều rồi ở riêng từ đây. Kiều bảo lần đầu phải sống một mình, tập cách làm người tự lập là năm 10 tuổi.
Mẹ đẩy xe lăn vào TP.HCM bán vé số, Kiều được gửi lại cho hàng xóm, người thân. "Mình tập nấu cơm, giặt giũ quần áo, tập đi xe đạp để đến trường. Hồi đó cứ ăn cơm sống miết, mấy người thân thỉnh thoảng ghé qua nấu, hướng dẫn làm rồi dần mình cũng quen" - Tú Kiều nói. Cô học trò này nói rằng mình có cô dì, cậu mợ, nhưng hai mẹ con đã quyết tự lập, tự lo cho cuộc sống của mình. Bởi tất cả những người thân của hai mẹ con cũng nghèo khó, cơ cực như nhau.
Căn nhà của Kiều và mẹ trống trơn. "Quán tạp hóa" chỉ bày bán mấy thứ vặt vãnh như nhang thờ, rượu cúng, một ít nước ngọt và trứng gà. Nhưng Kiều bảo rằng nhờ đó mà mình có đồng ra đồng vào để mua quần áo, đi học. Quán tạp hóa ấy nằm ngay đầu con ngõ nhỏ dẫn vào nghĩa địa, người dân ở quanh vùng biết câu chuyện hoàn cảnh đặc biệt của hai mẹ con nên thường ghé tới mua nhang đèn để ủng hộ.
Làm sao một đứa trẻ mới 10 tuổi đã có thể tự lập, tự lo mọi thứ? Kiều bảo, vì không có lựa chọn nên buộc phải tự tìm cách sống, "sống rồi cũng qua, cũng quen và thấy mọi thứ... bình thường".
"Mẹ đi làm xa, dành dụm được đồng nào thì gửi về cho mình chi tiêu. Ban đầu mình không biết xài tiền, cứ mua đồ rồi tới cuối tháng hết sạch tiền mà không dám nói cho mẹ biết. Năm lớp 4, lớp 5 mình ăn cơm sống, ăn cơm trắng thường xuyên vì chưa quen nấu, không biết cách mua đồ" - Kiều kể.
Hành trình miệt mài của mẹ
Chúng tôi gặp mẹ Kiều là bà Nguyễn Thị Yến (44 tuổi) trong những ngày bà lang thang đẩy xe lăn kiếm sống tại TP Đà Nẵng. Nơi bà ở là một dãy nhà trọ nằm sâu trong kiệt 119 Phạm Như Xương được một nhóm bạn trẻ hỗ trợ cho những người lao động khốn khó. Bà Yến gầy rọp, mắt thâm quầng và u sầu, chân trái đã liệt hẳn. "Gần 20 năm nay mẹ con tui gần như ít khi ở với nhau. Tui làm nhà rồi để Kiều ở quê, cháu tự nấu ăn, tự lớn lên, tự đi học, tự dạy dỗ chính mình" - bà Yến nói.
Bà Yến cho biết hằng ngày bà đẩy xe lăn đi khắp thành phố Đà Nẵng bán vé số, đêm về thì cầm giỏ trái cây tới quán nhậu bán cho khách. Suốt hai năm nay công việc và thu nhập bị đứt đoạn vì dịch. Dù chỉ ở cách con gái không xa, nhưng ba tháng nay hai mẹ con không thể gặp nhau vì các chốt chặn kiểm dịch đóng dày đặc từ quê bà ra tới Đà Nẵng.
Bà Yến đỏ hoe mắt khi kể về cô con gái của mình: "Ai cũng bảo làm gì mà một đứa con nít mới 10 tuổi đã tự sống được một mình ở gần nghĩa địa, tự nấu cơm, tự lo liệu được mà không có cha mẹ bên cạnh? Đôi khi tui cũng nghĩ số phận rơi xuống mẹ con mình như thế thì đành phải chịu phó mặc cho ông trời chứ biết làm sao! Nó ở nhà tự làm hết mọi việc, tui đi bán ở TP.HCM cả năm mới về một lần, mọi liên lạc đều chỉ qua điện thoại. Mỗi lần về quê thấy con vẫn sống, vẫn mạnh khỏe mà ruột gan như cắt từng khúc, thương mình một mà xót con thì trăm ngàn" - bà Yến tâm sự.
Bà kể rằng dù khoản tiền mình làm ra và gửi về cho con chẳng nhiều nhặn gì, nhưng gần như càng lớn lên thì Tú Kiều càng chẳng tiêu pha gì. Nhiều đợt về thấy Kiều vẫn giữ nguyên từng đồng tiền mà mẹ đã gửi cả năm. "Có đợt tui về nhà, thấy vườn chuối không ra được buồng nào nhưng tiền tui gửi thì vẫn nguyên xi. Tui gặng hỏi thì Kiều nói rằng được buồng chuối nào ra bắp thì đều vặt để đi bán, mỗi bắp được 20.000 đồng. Tiền bán bắp chuối, bán trứng gà được dành để mua gạo, mua mắm muối" - bà Yến rớt nước mắt kể.
Người mẹ tật nguyền này nói rằng dù sống xa mẹ, nhưng Kiều không bao giờ quấy đòi hay tủi thân. "Đòi hỏi" duy nhất mà cô muốn mẹ mình thực hiện là được một lần nhìn thấy mặt ba. "Nó hay hỏi tui ba con là ai? Khuôn mặt, hình hài ra sao? Có lần Kiều ôm tui rồi nói rằng con nài nỉ mẹ dẫn con tới gặp ba để con đứng từ xa nhìn cho thỏa lòng rồi con về với mẹ chứ con không bỏ mẹ đâu, tôi như cứa nát ruột gan" - bà Yến kể.
"Gia tài" của Kiều
Dù sống xa mẹ từ nhỏ, tự lập, tự lớn lên nhưng Tú Kiều luôn học hành giỏi giang. Kỳ thi vừa qua Kiều đậu vào ngành ngôn ngữ Hàn Quốc Trường ĐH Ngoại ngữ (Huế). Chuyện một cô bé tự sống một mình, tự đi học đã làm ngạc nhiên ngay cả những người hàng xóm. Vào nhà của Kiều, thứ nhiều nhất ngoài sách vở là... những giỏ trứng gà và mấy đôi giày đang khâu dở. Kiều cho biết toàn bộ trứng gà cất trong nhà đều do mình tự tay chăn nuôi, còn giày dép thì tự học may rồi nhận gia công để kiếm tiền trang trải hằng ngày.
"Mẹ và hàng xóm dạy cho mình cách nuôi gà từ nhỏ, lúc nào trong chuồng cũng có chừng 10 con gà đẻ trứng, gầy giống. Hồi mới nuôi vì không biết chăm nên gà chết sạch, hàng xóm thương lại cho gà giống để gầy đàn. Còn giày dép thì có công ty người ta gửi về cho bà con ở làng gia công, mỗi bao khâu xong thì được trả 40.000 đồng tiền công, giờ khâu quen rồi mỗi tháng kiếm được chừng 1 triệu đồng. Hồi mới làm không quen cứ bị hỏng giày, phải đền tiền miết" - Kiều nói.
Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức đến trường cho các tân sinh viên khó khăn - Đồ họa: NGỌC THÀNH