Ngày biết tin Ngông vào đại học, bà con trong làng tới kín nhà để chúc mừng - Video: THÁI BÁ DŨNG - HUỲNH VY
Ngông trông trẻ để kiếm tiền trang trải chi phí học tập - Ảnh: L.TRANG
Ngông đậu vào ngành Việt Nam học, Trường ĐH Quảng Nam với ước mơ học xong sẽ quay về xã làng làm cán bộ để bảo tồn văn hóa bản địa. Cô gái vùng cao này cứ luống cuống giữa những khối nhà cao tầng, những bạn bè xa lạ. Phải mất hai ngày Ngông mới hoàn tất thủ tục vào trường, được nhận chỗ ở trong ký túc xá.
Bà con đến chúc mừng
Một cán bộ xã Phước Lộc cho biết do địa bàn cách trở, nằm tách biệt hoàn toàn với bên ngoài và cách trung tâm huyện 3-4 giờ chạy xe máy, lâu nay hầu như có rất ít học sinh ở xã đậu đại học. Ngông là người hiếm hoi của xã Phước Lộc vào giảng đường. Ngày biết tin Ngông vào đại học, bà con trong làng tới kín nhà chị Nghênh để chúc mừng.
Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Phước Sơn Phạm Thị Thứ - nơi Ngông học cấp III - nói rằng ngôi trường này mỗi năm cưu mang, nhận nuôi hàng chục em mồ côi, nhiều em mất cả cha lẫn mẹ. Ngông là một trong số này. Nhà đông anh em, năm Ngông lên lớp 5 thì mẹ đột ngột qua đời sau một cơn đau dữ dội. Mấy năm sau, cha Ngông cũng đi lấy vợ mới, Ngông phải qua nhà chị gái Hồ Thị Nghênh để ở và đi học.
Hôm đứng lóng ngóng ở trường, thấy cái nghèo khó hằn hiện trên nét mặt của Ngông, mấy cán bộ làm thủ tục cho tân sinh viên hỏi thăm hoàn cảnh. Ngông xuống trường với vài bộ quần áo sờn cũ cùng khoản lộ phí 6 triệu đồng. Trong đó, 2 triệu đồng nhờ chị gái của Ngông bán hết đồ đạc, lúa ngô để dúi vào tay em. Còn 4 triệu đồng là số tiền trước đó cô Vũ Thị Duyên - giáo viên Trường nội trú Phước Sơn và là chủ nhiệm năm lớp 10 - đã nói Ngông tới phụ trông trẻ và được nhận. Ngông ở hẳn trong nhà cô, vừa tranh thủ học, vừa phụ việc nhà như một thành viên.
Trường hợp đặc biệt
Khi được nhận vào lớp 10, các thầy cô giáo biết Ngông mồ côi mẹ nên tìm mọi cách hỗ trợ Ngông học qua lớp 12. Nếu vào được giảng đường, đó sẽ là một bước ngoặt thay đổi số phận. Sau giờ lên lớp, Ngông được nhà trường cho phép đi ra ngoài thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) tìm việc làm thêm. Lúc cô phụ bán bánh xèo ở góc ngã ba đường, lúc lại thấy Ngông mướt mồ hôi bốc dỡ hàng tại tiệm tạp hóa. Cũng nhờ đi làm thêm, cô học trò vùng sâu đã dạn dĩ hơn, ăn nói khéo léo và ứng xử tốt hơn.
Ngông nói rằng tất cả anh chị em của mình đều sống nhờ vào lúa rẫy ở vùng bốn bề là núi cao, nên một đồng tiền làm ra là cả mồ hôi nước mắt cực nhọc. Vì thương anh chị, suốt 3 năm cấp III Ngông đi làm thêm để tự lo cho mình. Thời gian nghỉ hè Ngông cũng xin ở lại trường dành thời gian kiếm tiền chứ không về nhà.
Học để thay đổi
Ngông nói rằng với hoàn cảnh, nơi sinh sống của mình thì ngoài con đường học hành ra không còn lựa chọn nào tốt hơn để thoát nghèo, thay đổi số phận. Những năm học cấp III, dù thiếu thốn và đơn độc, Ngông luôn đạt thành tích nổi trội so với bạn bè.
"Mình chọn học ở Quảng Nam để gần nhà, tiết giảm chi phí học tập. Khi làm thủ tục nhập học xong mình kiếm các cửa hàng để xin việc làm thêm. Giờ chỉ mong học thật tốt, ra trường có việc làm để thay đổi cuộc đời mình, bù đắp một phần công sức cho anh chị đã nuôi mình ăn học" - Ngông nói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường tại đây: tiepsuc.tuoitre.vn.