Cô giáo 18 tuổi dạy hơn 80 học trò Việt trên Biển Hồ

3 năm trước 1085
Cô giáo 18 tuổi dạy hơn 80 học trò Việt trên Biển Hồ - Ảnh 1.

Cô giáo Min dạy học cho trẻ em gốc Việt ở Sa Son, Biển Hồ, tỉnh Pursat, Campuchia - Ảnh: NGÔ LY

Cô giáo của lớp học đặc biệt này là Nguyễn Thị Min. Cô Min chỉ học hết lớp 8 rồi đi làm công nhân, ngẫu nhiên trở thành cô giáo trong một lần từ Việt Nam sang Campuchia thăm cha mẹ.

Tranh thủ học để đi làm

Sa Son (ấp Koh Ket, xã Ren Tơ, huyện Candien, tỉnh Pursat, Campuchia) là xóm bè nằm khuất xa đường lộ nửa ngày xuồng. Xóm nổi này có 238 hộ dân với trên 1.200 người Việt sinh sống.

Tờ mờ sáng đã nghe giọng trẻ thơ lanh lảnh: "Cô ơi, dậy chưa cô ơi. Cô cho con xin bài hôm nay, để con làm xong con còn đi cắt cá mướn". Đó là bé Thúy Ngân, con bà Đẹp, nhà ở mé rừng lộc vừng. Cô Min kéo bé vào bè, hỏi rõ sự tình. Cô bé ấp úng thưa là hôm nay bên xóm có nhà nọ trúng mẻ cá, cần thuê người cắt vây cá để sơ chế.

Ở Biển Hồ, khi gặp được việc làm thì bất kể người lớn hay trẻ nhỏ cũng phải xắn tay vào. Ngân nói mẹ đánh thức mình dậy sớm để đi làm. Cô bé nói mình còn phải đi học. Người mẹ giục con nếu đi học thì... đi liền, để khi mặt trời vừa lên là có mặt ngay nhà chủ lưới để cắt cá. Vậy là con bé xách quyển tập, nhảy xuống xuồng, bơi tìm cô giáo.

Rồi những chiếc xuồng nhỏ lần lượt cập bến bè nhà cô Min. Có đứa đến xin cô bài tập về nhà, có đứa xin cô dạy trước để về theo cha mẹ đi ra biển kiếm cơm, có đứa trắng đêm ở ngoài khơi, đến sáng mới về lại xóm, mới tìm đến cô giáo...

Bỗng nhiên thành cô giáo

Trước đây cũng đã có một vài người trụ lại vùng Biển Hồ dạy, tuy nhiên người thì già yếu, người thì không chịu nổi nên đã rời đi. Tết năm 2020, Nguyễn Thị Min từ Việt Nam sang thăm cha mẹ. Min cũng chỉ học hết lớp 8 rồi đi làm công nhân. Đám nhỏ trong xóm mến Min, dân ở đây lại nói với cha mẹ hay là cho Min ở lại dạy cho đám trẻ biết chữ rồi hãy về Việt Nam. 

Được đề nghị làm cô giáo "ngang hông", Min nói cô quá bất ngờ nhưng rồi đồng ý ở lại Biển Hồ dạy miễn phí cho tụi nhỏ.

Min chia sẻ khi gật đầu đứng lớp, cô chưa từng được ai chỉ dạy làm cô giáo là thế nào. Nên những gì cô học được, cô sẽ dạy lại cho các em cũng giống như cô giáo ở Việt Nam dạy cho mình. Cô đơn giản nghĩ dạy cho các bé cũng như dạy cho lũ em trong nhà.

Min kể thời gian đầu cô lo lắng vì cả trường không nhiều em đọc, viết được. Tính toán thì lại càng không. Cô quyết định ngoài giờ học buổi sáng, bất cứ giờ nào học trò cần học thì cô cũng dạy mà không phải trả học phí. Vậy là đám nhỏ suốt ngày bơi xuồng tìm cô giáo.

"Bây giờ nhiều đứa ở Sa Son biết đọc, biết viết rồi nhà báo ạ. Cô Min đến giờ vẫn dạy không lương. Dân ở đây cũng hiểu, định người góp ít cho cô gạo mắm, nhưng cô nói để dành tiền mua sách vở cho các cháu" - một phụ huynh ở Biển Hồ nói.

Ông Lê Hoàng (chủ tịch Hội Khmer - Việt tỉnh Pursat):

Điểm sáng

Bà con người Việt ở Biển Hồ cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Trong đó, việc học hành của con em ở đây là điều đáng lo, vì ngoài thiếu thốn cơ sở vật chất thì chuyện tìm người đứng lớp vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, có người chịu đứng ra dạy các cháu là điều vô cùng quý.

Chúng tôi không dám mong người có trình độ cao, bởi không thể tìm đâu có, mà chỉ mong có người dạy cho các cháu biết đọc, biết viết là quý lắm rồi. Trong đó, lớp học của cô Min ở Sa Son là điểm sáng để duy trì.

Gần 30 năm làm cô giáo không lươngGần 30 năm làm cô giáo không lương

TT - Gần 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Đỏ (còn được gọi là bà Ba Đỏ), 68 tuổi, ngụ KV2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, vẫn âm thầm dạy học cho học trò nghèo mà không đòi hỏi một khoản thù lao nào.

Nguồn bài viết