'Cây đại thụ' trong lĩnh vực gây mê hồi sức Việt Nam

1 năm trước 101

Ở độ tuổi gần 90, không chịu ở nhà an hưởng như bao người, bà vẫn ra - vào phòng mổ mỗi ngày, giúp người bệnh mê vừa đủ, tỉnh dậy an toàn sau các ca phẫu thuật. Bà là Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hồ Hải, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những “cây đại thụ” trong lĩnh vực gây mê hồi sức Việt Nam.

Chú thích ảnhTiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hồ Hải khám tiền mê cho người bệnh. 

Dấn thân với ngành Gây mê hồi sức

Ở tuổi 89, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hồ Hải vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh. Mở đầu câu chuyện, bà kể cơ duyên bà đến với ngành Y thật tình cờ. Hồi những năm 1954, sau khi tham gia phong trào học sinh - sinh viên ở Sài Gòn, bà được đưa ra Bắc. Tại đây, bà xin được học y để phục vụ nhân dân, đồng bào. Trải qua quá trình học tập miệt mài, bà về công tác tại lĩnh vực răng hàm mặt của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Sau đó, thầy của bà là Giáo sư Tôn Đức Lang khuyên bà đi theo ngành Gây mê hồi sức. Từ đó, như một định mệnh, bà dấn thân vào lĩnh vực gây mê hồi sức với niềm tin dù ở bất cứ bộ phận, đơn vị nào cũng sẽ cứu giúp được người bệnh. Đam mê nghề, khi có cơ hội sang nước ngoài học tập, bà quyết định gửi lại hai con nhỏ, kiên trì 4 năm “dùi mài” ở xứ người. Trở về nước, bà quay trở lại phục vụ tại Bệnh viện Việt Đức.

Đến năm 1975, khi miền Nam giải phóng, bà xung phong vào Sài Gòn “chi viện” cho lực lượng y tế thiếu hụt tại đây và trở thành Trưởng Khoa Gây mê hồi sức đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy; đồng thời nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. “Những ngày đầu gian khổ lắm, nhân sự, dụng cụ, thuốc men đều thiếu hụt, ngay cả găng tay phẫu thuật cũng phải dùng đi dùng lại, vá chằng vá đụp đến khi rách toác không dùng được mới bỏ đi”, bà nhớ lại.

Trong bối cảnh đó, là "nhạc trưởng" của Khoa Gây mê hồi sức, bà luôn phải đảm bảo để bệnh nhân được gây mê an toàn và tỉnh dậy sau phẫu thuật. Bà còn nhớ như in, thời gian đó, nhiều bác sĩ học ở các nước châu Âu về nước không chịu mổ sọ não nếu như không có đúng loại thuốc mê họ được học. Trong khi đó, bệnh nhân sọ não của 16 tỉnh phía Nam đều tập trung về Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Hồ Hải phải tìm tòi các phương án gây mê để làm sao bệnh nhân phải ngủ thật sâu và nằm thật yên. Ở lần đầu tiên, bà tự thử trên chính bản thân mình, rồi thử trên một số bệnh nhân. Trong nhiều năm liền, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng phương pháp gây mê của bác sĩ Phan Thị Hồ Hải. Bà thừa nhận, dù phương pháp của bà cũng tuân thủ các nguyên tắc gây mê được học, nhưng lúc đó, bà vẫn hơi “liều” bởi nếu không liều, rất nhiều bệnh nhân sẽ chết.

Và cũng nhờ “máu liều”, bà và các đồng nghiệp lúc bấy giờ đã thực hiện thành công những ca mổ kịch tính không kém trên màn ảnh. Kể về ca mổ đặc biệt năm 1978 cho một lính du kích bị thủng ruột già, bác sĩ Hải nhớ lại: Tôi và bác sĩ Nguyễn Khánh Dư, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy lúc bấy giờ đang đi ra từ phòng mổ, một xe cáng đẩy vào. Trên chiếc cáng, một thanh niên bị vỡ ổ bụng, vỡ đại tràng, vỡ gan, vỡ lách, vỡ dạ dày, máu chảy ồ ạt, chất thải tràn cả vào tim. Không ai bảo ai, tôi và ông Dư bắt tay ngay vào ca mổ. Nếu chần chừ, bệnh nhân sẽ chết. Nhưng lúc này, Bệnh viện không có máu dự trữ, không có máu truyền, làm sao mổ được. Nếu không mổ, bệnh nhân sẽ chết. Trong giây phút cân não ấy, tôi đã quyết định truyền thêm dung dịch muối ưu trương vào tĩnh mạch để nâng huyết áp. Suốt ca mổ phải liên tục duy trì đường truyền chờ máu về. Thế nhưng, ca mổ kéo dài từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, đến khi khâu xong ổ bụng cho bệnh nhân mà máu vẫn chưa về. Rất may mắn, bệnh nhân đã vượt được cửa tử. Chúng tôi thở phào.

Một lần khác, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân bị đầu đạn M79 găm vào đuôi mắt phải. Hội chẩn với các chuyên gia vũ khí của Quân khu 7, ê-kíp mổ được cảnh báo, nếu mổ cho bệnh nhân này, cả phòng mổ sẽ gặp nguy hiểm vì đầu đạn có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Dù có hơi lo sợ nhưng ca mổ vẫn được tiến hành. Thời điểm lấy đầu đạn ra cũng là lúc cả phòng mổ gần như nín thở. “Dù không còn chiến tranh, chúng tôi vẫn phải đối mặt với đạn bom như thế đấy”, bác sĩ Hải kể lại.

Hơn 60 năm thầm lặng canh từng nhịp thở

Có một nguyên tắc bất di bất dịch mà bác sĩ Phan Thị Hồ Hải giữ nguyên trên suốt con đường y nghiệp của mình, đó là đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh. Không ít lần bà ngăn cản phẫu thuật viên tiến hành ca mổ bởi bệnh nhân chưa đạt các tiêu chí an toàn. Trong quá khứ, từng có bác sĩ không nghe lời bà, bất chấp để phẫu thuật cho bệnh nhân. Hậu quả là sau đó, bệnh nhân tử vong do không đủ thời gian trung hòa thuốc chống đông, khiến bà vô cùng đau đớn. Từ đó về sau, bà cương quyết từ chối các ca phẫu thuật khi chưa đủ an toàn. Bà vẫn hóm hỉnh ví von, bác sĩ gây mê trước khi vào phòng mổ là phải “gây”, là gây sự với phẫu thuật viên, rồi mới đến giai đoạn cho bệnh nhân “mê”. Và cũng chính vì thế, vô tình bà “ghi thù” với không ít người.

Chú thích ảnhTiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hồ Hải (ngoài cùng bên phải) phụ trách gây mê trong một ca phẫu thuật. 

“Nhiều người khuyên tôi nên bớt cứng rắn, xuề xòa, dĩ hòa vi quý để khỏi gây thù chuốc oán. Và thực tế đã có đồng nghiệp của tôi bị chặn đánh giữa đường. Nhưng tôi nghĩ, biết bao người đã hy sinh cái ăn, cái mặc, thậm chí là cả mạng sống để tôi được đi học mà tôi làm việc không ra hồn, làm sao tôi ngẩng đầu lên được?” -  Giọng bà như nghẹn lại.

“Khi bị dọa bà có sợ không?”, phóng viên hỏi. Bà lắc đầu quả quyết: “Đến cái chết mình còn không sợ, ba cái trò dọa nạt đó mình sợ gì. Mình phải cứng rắn, phải “dữ” mới bảo vệ được cho bệnh nhân của mình”. Tinh thần “thép” ấy của bác sĩ Hồ Hải đã được truyền thụ một cách trọn vẹn cho các thế hệ học trò. Sau này, các học trò của bà lần lượt đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam; bác sĩ Phan Minh Tâm, Trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 2. “Nhiều người nói chúng tôi “dữ” giống má Hải, chúng tôi rất vui vì đã giữ được nguyên tắc an toàn bệnh nhân là trên hết mà má Hải truyền dạy”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam chia sẻ.

Khi bác sĩ Phan Thị Hồ Hải đang tiếp chuyện chúng tôi, một điều dưỡng vội vã đi vào: “Má Hải ơi, có ca mổ cấp cứu tối khẩn, chúng con cần má”. Ngay lập tức bà đứng lên, đi thẳng vào phòng mổ. Sau khi kiểm tra toàn bộ thông tin và nghe các bộ phận báo cáo, bà ra y lệnh. Từng câu, từng chữ của bà không quá lớn nhưng rõ ràng, dứt khoát như một mệnh lệnh. Có chứng kiến hình ảnh của bà trong phòng mổ mới thấy được uy lực của người bác sĩ có vóc dáng nhỏ nhắn với mái đầu bạc phơ này. Bước ra khỏi phòng mổ, bà trở lại với dáng vẻ ngày thường, tận tình thăm khám tiền mê cho người bệnh; hỏi han, phân tích cặn kẽ từng chi tiết và động viên, trấn an tâm lý trước khi đưa họ vào phòng mổ.

Dù đã nghỉ hưu theo chế độ từ năm 1993 nhưng tròn 30 năm sau, bác sĩ Phan Thị Hồ Hải vẫn chưa nghỉ hẳn. 55 tuổi, bà rời Bệnh viện Chợ Rẫy, 70 tuổi rời Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 10 năm nay tiếp tục vào - ra phòng mổ tại Bệnh viện Quốc tế Minh Anh. Thậm chí nửa đêm, bà cũng sẵn sàng đến ngay bệnh viện nếu có ca mổ cấp cứu. “Mỗi ngày đến gặp bệnh nhân, giải thích tường tận, giúp họ bớt sợ hãi, canh cho họ mê đủ giấc, tỉnh dậy an toàn sau mổ, tôi cảm thấy từng giây phút mình sống đều có ý nghĩa”, bà trải lòng.

Ở cái tuổi “thượng thượng thọ”, không ít học trò của bà đã nghỉ hưu nhưng bác sĩ Phan Thị Hồ Hải vẫn làm việc miệt mài. Một học trò từng hỏi “Chừng nào má nghỉ hưu?”, bà nheo mắt cười tinh nghịch: “Chừng nào ông trời bắt nghỉ, má mới nghỉ”. Hơn 60 tuổi nghề cũng là hơn 60 năm “má Hải” âm thầm đứng sau các ca phẫu thuật. Không chỉ nhân viên y tế mà các bệnh nhân, thân nhân đều kính trọng “má Hải” bởi bà như một người mẹ hiền canh sinh mệnh cho người bệnh trong giây phút “thập tử nhất sinh”.

Nguồn bài viết