Câu chuyện từ video giải Nhất ‘Công nghệ từ trái tim’: Lan tỏa giá trị thật từ mạng ‘ảo’

5 tháng trước 68

Chắt lọc những hình ảnh đẹp

Cuộc thi ảnh và video "Công nghệ từ trái tim" đặt cho người tham gia “bài toán khó” bằng quy định video tham dự không vượt quá thời lượng 1 phút. Và tác phẩm có chung tên chủ đề của giải thưởng "Công nghệ từ trái tim" đã thuyết phục được Ban giám khảo và giành giải Nhất hạng mục video của cuộc thi bằng những chắt lọc tài tình của hình ảnh và kỹ thuật để truyền tải thông điệp “Cùng nhau lan tỏa năng lượng tích cực trên mạng xã hội ảo”.

Video "Công nghệ từ trái tim" của tác giả Vũ Hồng Vân:

Câu chuyện trong video mở đầu bằng cặp "vợ chồng lính chì" Đoàn Ngọc Bảo và Lệ Thu - những người đều mất một chân nhưng tìm thấy tình yêu và hạnh phúc nhờ mạng xã hội. Mỗi người mất một bên chân, họ tìm thấy nhau qua mạng xã hội và trở thành mảnh ghép hoàn hảo của nhau. Cả hai có một con người con trai kháu khỉnh. Nên duyên nhờ công nghệ, giờ cả hai lại sử dụng mạng xã hội để kể câu chuyện của mình, truyền cảm hứng cho những người khuyết tật khác.

Trong tác phẩm còn có các nhân vật như Lưu Tiến Huy - tác giả dự án 16 memories nhằm chụp ảnh và lưu giữ những khoảnh khắc đáng quý của người lao động hay Lê Minh Khương - chàng trai đã bỏ ra hơn 2 năm đi khắp Việt Nam để chụp 999 bức ảnh đời thường và tặng nhân vật ngay tại chỗ.

Chia sẻ về những nhân vật trong tác phẩm của mình, Vũ Hồng Vân cho biết: Tác phẩm này là sự tổng hợp các nhân vật, câu chuyện, dự án của người trẻ trong thời gian 1 năm trở lại đây. Những nhân vật này đều đã được báo giới khai thác nhiều, đó cũng là một khó khăn cho việc tìm ý tưởng. Bởi vậy, trong thời lượng 1 phút, tác phẩm tập trung vào điểm chung nhất của nhân vật: Những người trẻ, biết tận dụng công nghệ và mạng xã hội để truyền đi những thông điệp có ý nghĩa, giúp cộng đồng dẹp bỏ sự ti và nỗ lực vươn lên.

“Thời lượng 1 phút là khoảng thời gian thử thách để chúng ta truyền tải một thông điệp nào đó để khán giả có thể hiểu và cảm nhận. Vì tôi đang làm về chủ đề xã hội số để người dân hạnh phúc hơn nên tôi chọn lọc những hình ảnh thể hiện yếu tố đó lồng ghép vào đó là những câu dẫn nối, hiệu ứng để tác phẩm sinh động và dễ hiểu hơn.

Chú thích ảnhTác giả Vũ Hồng Vân nhận giải Nhất cuộc thi “Công nghệ từ trái tim”. Ảnh: L.S

Khâu hậu kỳ đóng vai trò quan trọng cho tác phẩm này vì các câu chuyện, dự án nhỏ sẽ được kết nối bằng kỹ xảo cũng như các câu dẫn dắt bởi đây tôi không có lời bình. Để thực hiện được tác phẩm 1 phút này nhưng tôi đã phải mất thời gian khoảng 1 tuần để hậu kỳ.

“Công nghệ từ trái tim” là một cuộc thi có ý nghĩa lớn. Bởi, ngoài việc phản ánh rằng công nghệ hiện đang phát triển như thế nào hoặc có ứng dụng ra sao trong đời sống, những tác phẩm dự thi còn giúp cộng đồng hiểu rõ về hiệu ứng tích cực và giá trị nhân văn từ chúng, nếu được sử dụng và tiếp cận đúng cách”. - tác giả Vũ Hồng Vân chia sẻ.

Lan tỏa những thông điệp tích cực

Bằng cách thể hiện công phu, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo nên những hình ảnh đẹp, “Công nghệ từ trái tim” của Vũ Hồng Vân “mượn” chính những câu chuyện, dự án cụ thể về cách mà người trẻ đã ứng dụng công nghệ để góp phần làm thay đổi góc nhìn về cuộc sống, lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng, thể hiện rõ thông điệp "xã hội số" để người dân hạnh phúc hơn.

Chú thích ảnhCặp "vợ chồng lính chì" Đoàn Ngọc Bảo và Lệ Thu. Ảnh: NVCC

Xuyên suốt quá trình sáng tác tác phẩm “Công nghệ từ trái tim”, tác giả Vũ Hồng Vân đã suy nghĩ, hiện nay, người trẻ đang sống trong một kỷ nguyên mà mạng xã hội chiếm vị trí quan trọng trong đời sống hàng ngày. Mạng xã hội đã trở thành cầu nối không biên giới của cộng đồng, giúp mọi người chia sẻ quan điểm, suy nghĩ, tình cảm và truyền đi những thông điệp cá nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ phát triển, các thiết bị thông minh có kết nối internet ngày càng đa dạng, sự phố biến, tiện dụng của mạng xã hội có 2 mặt tốt - xấu.

Trăn trở về những điều kỳ diệu, tốt đẹp mà công nghệ có thể giúp một con người thay đổi cuộc sống, tác giả trẻ Vũ Hồng Vân đã đưa vào trong tác phẩm những câu chuyện, dự án của người trẻ tận dụng thế mạnh sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa những thông điệp tích cực tới cộng đồng.

“Niềm vui có thể đến từ những hành động nhỏ và lan tỏa đến bạn bè, những người xung quanh, làm thay đổi góc nhìn về cuộc sống và mang đến những điều tốt đẹp trong cộng đồng. Vì vậy, ngày nay nhiều bạn trẻ đã sử dụng các trang mạng xã hội, sử dụng công nghệ mới đã thực hiện các dự án lan tỏa niềm hạnh phúc cũng như chia sẻ những câu chuyện thú vị, những hành động ý nghĩa hằng ngày với hy vọng gắn kết tình yêu thương và truyền đi năng lượng tích cực cho cuộc sống. Clip chính là những câu chuyện, dự án cụ thể về điều này. Qua clip tôi muốn giới thiệu tới quý vị những hành động đẹp, những con người tử tế, họ biết ứng dụng công nghệ để làm điều có ích cho xã hội”. - tác giả Vũ Hồng Vân chia sẻ.

Chú thích ảnhVũ Hồng Vân tại lễ trao giải. Ảnh: NVCC

Hạnh phúc khi được làm báo, được chia sẻ những góc nhìn về cuộc sống thông qua các phóng sự truyền hình, cô phóng viên trẻ của Truyền hình Thông tấn (TTXVN) cho biết thêm: “Nghề báo đến với tôi cũng là một cơ duyên. Khi còn là học sinh, tôi rất thích viết lách, văn học, thích cách các cô, chú, anh, chị biên tập viên được đi rất nhiều nơi, có rất nhiều kiến thức và được mọi người tin tưởng nên tôi cũng rất mong muốn được như vậy.

Sau này trong quá trình làm nghề và được các cô, chú, anh, chị đi trước chỉ bảo thì đến giờ tôi cũng đã có cho mình những kiến thức, kinh nghiệm và cả những mẹo nhỏ trong nghề. Tuy nhiên tôi vẫn sẽ phải học hỏi thêm nhiều điều để có thể nâng cao chất lượng tin bài, gửi tới khán giả những sản phẩm hay nhất, ý nghĩa nhất. Mà trong đó việc ứng dụng công nghệ vào tác phẩm cũng là một yếu tố hỗ trợ.

Với các bạn trẻ yêu truyền hình, có thể thấy truyền hình luôn ưu tiên hình ảnh thực tế. Dù vậy, chúng ta cũng có thể sử dụng đồ họa, kỹ xảo để nêu bật hình ảnh, góp phần truyền tải thông điệp, ý nghĩa của hình ảnh hay tạo hiệu ứng để thu hút người xem. Đó cũng là một phần ứng dụng của công nghệ trong nghề nghiệp của chúng tôi hiện nay”.

Nguồn bài viết