Ông Kim Jong Un xuất hiện cạnh tên lửa ICBM Hwasong-17 vào tháng 3-2022 - Ảnh: KCNA
Luật mới đồng thời quy định nhiệm vụ của lực lượng hạt nhân và điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, tác động đáng kể tới tình hình bán đảo Triều Tiên.
Có thể tấn công phủ đầu
Việc ra luật mới này là dấu mốc quan trọng với Triều Tiên vào dịp kỷ niệm 74 năm quốc khánh của nước này hôm 9-9.
Giới quan sát cho rằng luật mới của Triều Tiên được đưa ra với hai mục đích chính: Thứ nhất là để chứng minh Triều Tiên nghiêm túc về học thuyết quân sự tập trung vào răn đe chiến lược của nước này; thứ hai là để làm rõ với Mỹ và Hàn Quốc về những hành động mà Bình Nhưỡng sẽ thực hiện nếu họ bị đe dọa.
Luật mới nói trên đã cập nhật học thuyết quân sự của Triều Tiên, thay thế cho luật có từ năm 2013. Luật năm 2013 quy định Triều Tiên có thể dùng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi cuộc xâm lược hoặc cuộc tấn công của một quốc gia hạt nhân thù địch và thực hiện các cuộc tấn công trả đũa. Tuy nhiên, luật mới đã vượt ra ngoài khuôn khổ này.
Luật mới cho phép Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu nếu họ phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào "các mục tiêu chiến lược" của Triều Tiên, trong đó có giới lãnh đạo của nước này.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố, với luật mới này, "trạng thái quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân của chúng tôi trở nên không thể đảo ngược".
Tiến sĩ Trương Bạc Hối, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương (Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong) tin rằng thời điểm Triều Tiên cập nhật học thuyết nói trên là rất quan trọng.
Thứ nhất, chính phủ mới của Tổng thống Yoon Suk Yeol ở Hàn Quốc - vốn hay nói về chính sách cứng rắn với chương trình hạt nhân của Triều Tiên - đã khiến ông Kim bất an hơn.
Thứ hai, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khôi phục các cuộc tập trận Mỹ - Hàn quy mô lớn.
Ông Trương nhận định luật mới cho thấy con đường phi hạt nhân hóa Triều Tiên để đổi lấy các đảm bảo an ninh hiện đã bị đóng lại.
"Trở thành quốc gia hạt nhân là mục tiêu cuối cùng trong chiến lược lớn của Triều Tiên. Đó không phải là thứ được sử dụng để mặc cả cho một thứ khác" - ông Trương nhận định.
Nguồn: BBC - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT
"Thanh gươm quý báu"
Theo Hãng tin Tass, trong nửa đầu năm 2022, Triều Tiên đã phóng ít nhất 28 tên lửa. Đây là con số cao kỷ lục trong giai đoạn sáu tháng, vượt kỷ lục 25 vụ phóng vào năm 2019.
Ngoài ra, Triều Tiên đã nhanh chóng cải thiện các đặc tính kỹ thuật của tên lửa từ năm 2019 bằng cách chuyển sang dùng nhiên liệu rắn và khiến chúng khó bị đối phương đánh chặn hơn. Một số ước tính cho thấy Triều Tiên đã chi khoảng 2% GDP cho các vụ phóng từ đầu năm đến nay.
Kể từ lúc lên nắm quyền cách đây một thập niên, ông Kim Jong Un đã tập trung vào việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và gọi đây là "thanh gươm quý báu" giúp bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của nước ngoài.
Dưới thời ông Kim, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất và nhiều vụ phóng tên lửa, trong đó có những vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Triều Tiên đã tạm ngừng tất cả vụ thử hạt nhân và ICBM trong năm 2018 để tạo tiền đề cho các cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc và không có thỏa thuận nào về việc loại bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Theo báo New York Times, trong quá khứ, Triều Tiên đã sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ để đưa Washington ngồi vào bàn đàm phán. Theo logic này, kho vũ khí càng mạnh thì ông Kim càng có nhiều đòn bẩy.
Nhưng kể từ khi các cuộc đàm phán dưới thời ông Trump không mang lại kết quả, ông Kim đã tuyên bố sẽ tìm ra "cách mới" để đối phó Washington. Có vẻ luật mới về chính sách hạt nhân hôm 8-9 là "cách mới" của ông Kim.
Phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật?
Theo giới quan sát, có thể sắp tới Triều Tiên sẽ thực hiện bước đi nguy hiểm tiếp theo: chế tạo vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm bom trọng lực, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn, ngư lôi... được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Tháng 4-2022, ông Kim đã giám sát vụ thử nghiệm một hệ thống tên lửa tầm ngắn bay được khoảng 110km. Truyền thông Triều Tiên mô tả đây là hệ thống được thiết kế để mang "vũ khí hạt nhân chiến thuật".