Cách ứng dụng máy bay không người lái, AI và big data vào trồng trọt ở Israel

1 năm trước 76
Chú thích ảnhNgười nông dân điều khiển thiết bị thụ phấn nhân tạo quét qua những tán cây bơ. Ảnh: AFP

Tại một vườn bơ ở miền Trung Israel, người nông dân lái chiếc máy kéo từ từ điều khiển một thiết bị xuyên qua những tán cây.

Những dụng cụ gắn trên thiết bị thụ phấn nhân tạo di động đó trông tựa như chiếc mái chèo, nhẹ nhàng “vuốt ve” cây bơ để hút lấy phấn hoa, sau đó lại cọ xát vào hàng cây tiếp theo.

Thai Sade, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty BloomX, cho biết quá trình thụ phấn nhân tạo như trên có thể giúp tăng năng suất cây trồng để góp phần nuôi sống dân số ngày càng tăng của thế giới. 

Công ty này sử dụng các thuật toán để dự đoán thời điểm tối ưu nhằm tối đa hóa hiệu quả của quá trình thụ phấn.

Ông Sade nói thêm: “Công nghệ thụ phấn của chúng tôi là một nỗ lực để giải quyết nhiều vấn đề gặp phải hiện nay và sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai”. Ông đồng thời lưu ý đến việc thiếu hụt côn trùng thụ phấn và những rủi ro do sự nóng lên toàn cầu gây ra cho chúng.

Theo ông, để trồng một vườn cây ăn quả hoàn toàn mới sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc tận dụng tốt hơn vườn cây hiện có.

Trong khi đó, ông Ofri Yongrman Sela, người giám sát hoạt động sản xuất bơ, lúa mì và quả hồng tại khu định cư Eyal, cho biết công việc của mình, việc thụ phấn là khó quản lý nhất.

Ông nói cây bơ cần ong mật để thụ phấn, nhưng không thể biết liệu đàn ong có tìm đến hay không hoặc khi nào. Do đó, với công nghệ của BloomX, sản lượng đã tăng lên tới 40%. 

Chú thích ảnhMáy bay không người lái cũng tham gia hỗ trợ thụ phấn cho cây. Ảnh: AFP

Robot canh tác

Đứng giữa những cây bơ, Yongrman Sela ghi nhận những thay đổi nhanh chóng mà ngành trồng trọt đã trải qua trong vòng một thập kỷ, kể từ khi ông bắt đầu làm nông dân.

Ông cho biết nông nghiệp hiện nay được hỗ trợ bởi các thiết bị cảm biến đo thông số đất, máy bay không người lái và công nghệ big data. Ông cảm nhận công nghệ đã đi vào mọi ngõ ngách của các nông trại ở Israel. 

Một báo cáo gần đây của Start-Up Nation Central, một tổ chức phi chính phủ thúc đẩy công nghệ của Israel, đã liệt kê trên 500 công ty công nghệ nông nghiệp ở Israel.

Shmuel Friedman, chủ công ty Green Wadi cung cấp dịch vụ tư vấn nông nghiệp cho các quốc gia ở châu Phi, châu Á và Vùng Vịnh, khẳng định công nghệ và chuyên môn về nông nghiệp của Israel đã tạo được danh tiếng tốt trên thế giới. 

Ông cho hay trong khi thế hệ trẻ ở Israel không còn theo đuổi ngành nông nghiệp như những người đi trước, thì kinh nghiệm nông nghiệp của đất nước này kết hợp với lĩnh vực công nghệ mạnh mẽ và sáng tạo đã tạo ra những công nghệ nông nghiệp có thể hỗ trợ đắc lực cho người nông dân trong tương lai.

Theo ông Friedman, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành nông nghiệp là thiếu nhân lực. Việc tìm kiếm nhân lực ngày càng khó khăn hơn, đặc biệt là ở các nước phát triển. Ông cho rằng cần tìm kiếm những giải pháp thay thế, dù ở dạng robot hay máy móc để có thể thay thế bàn tay lao động của con người.

Máy bay không người lái thu hoạch trái cây

Ông Yanir Maor đã đi đến kết luận tương tự từ hơn một thập kỷ trước khi xem một chương trình truyền hình có 20 người Israel được giao nhiệm vụ hái trái cây cùng với người dẫn chương trình.
Maor là người thành lập công ty sử dụng máy bay không người lái để hái trái cây Tevel.

"Không có đủ người lao động. Và nhìn về tương lai, rõ ràng là sẽ thiếu hụt hơn nữa. Cùng lúc đó, mùa màng sẽ tăng lên, dân số tăng lên và nhiều tiêu dùng hơn. Khoảng cách ngày càng lớn và đó là lúc người máy bước vào”, ông kết luận. 

Hệ thống của Tevel bao gồm tám máy bay không người lái được kết nối với một nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thị giác máy để phân tích hình ảnh của trái cây.

Điều này giúp xác định không chỉ loại quả nào đã chín và sẵn sàng thu hoạch mà còn xác định được hàm lượng đường hay bất kỳ loại bệnh nào.

Ông Maor lưu ý rằng máy bay không người lái sử dụng lực hút để nhẹ nhàng kéo quả ra khỏi cành rồi đặt vào thùng. Phần việc của con người chủ yếu là giám sát hoạt động của chúng. Công nghệ này đang được sử dụng ở Israel, Mỹ, Italy và Chile. Nó hoạt động hiệu quả trên hơn 40 loại táo, đào, xuân đào, mận, mơ và lê khác nhau.

Hệ thống này hoàn toàn tự động, từ việc quyết định có nên hái quả hay không và màu sắc của nó cũng như cách tiếp cận và bứt quả ra khỏi cành. 

Về phần mình, người nông dân Yongrman Sela, tin tưởng tiềm năng của các công nghệ trong việc thúc đẩy ngành nông nghiệp là không thể đo đếm được.

Nguồn bài viết