Cách đánh giá bảo mật ứng dụng trước khi cài lên iPhone

3 năm trước 373
Từ cuối năm 2020, cửa hàng ứng dụng App Store bắt đầu cung cấp nhãn “App Privacy” (quyền riêng tư của ứng dụng) cho tất cả danh mục ứng dụng được niêm yết. Qua thông tin này, bạn có thể nhìn nhận chính xác hơn cách các ứng dụng theo dõi bạn, cũng như đưa ra quyết định có nên tải chúng xuống hay không qua chia sẻ của trang How To Geek:

Vì sao Apple đột ngột chuyển qua giám sát quyền riêng tư?

Với sự ra mắt của iOS 14 vào năm ngoái, Apple bắt đầu tập trung mạnh mẽ hơn về khía cạnh quyền riêng tư trên điện thoại thông minh và các ứng dụng của nó. Đây cũng là một trong những cách mà Apple muốn khách hàng phân biệt sản phẩm của họ với đối thủ, thông qua việc giám sát và đưa ra các biện pháp bảo vệ lợi ích (trong đó có quyền riêng tư) cho khách hàng của mình.
Cho đến gần đây, cách các ứng dụng iPhone và iPad có thể theo dõi bạn hoặc sử dụng dữ liệu cá nhân của bạn không hoàn toàn minh bạch với người dùng. Ngoài việc thực thi nhiều giải pháp bảo mật cho iPhone, Apple triển khai thêm một loại nhãn chuyên dụng cho quyền riêng tư số của các ứng dụng. Giờ đây, bạn chỉ cần xem qua là có thể tạm đánh giá hiệu suất bảo mật của ứng dụng để đưa ra quyết định với chúng.

Cách kiểm tra chi tiết quyền riêng tư của ứng dụng trên App Store

Cách đánh giá bảo mật ứng dụng trước khi cài lên iPhone - ảnh 1

Bấm vào mục See Details ở phần App Privacy để xem chi tiết về bảo mật của ứng dụng

Ảnh: Hữu Thắng

Trước tiên, hãy mở App Store trên iPhone rồi tìm ứng dụng mà bạn muốn kiểm tra hoặc cài đặt. Sau đó, nhấn vào tên ứng dụng đó để mở phần mô tả chi tiết và cuộn xuống phần App Privacy (chính sách riêng tư) ở ngay dưới phần Rating & Reviews. Hãy bấm vào mục App Privacy sẽ thấy bản tóm tắt về quyền riêng tư mà nhà phát triển ứng dụng đã báo cáo với Apple (và công khai với người dùng). Dưới đây là ba hạng mục chính và ý nghĩa của thông tin trong phần gán nhãn App Privacy của một ứng dụng trên App Store:
• Data Used to Track You (dữ liệu được dùng để theo dõi bạn): Các thông tin được sử dụng để theo dõi bạn trên các ứng dụng và trang web thuộc sở hữu của các công ty khác ngoài Apple, qua đó giúp các nhà quảng cáo xây dựng hồ sơ cá nhân hóa dựa trên các hành vi trực tuyến của người dùng để cho phép họ hiển thị nội dung quảng cáo cụ thể với từng người.
• Data Linked to You (dữ liệu được liên kết với bạn): Các thông tin được thu thập và liên kết với danh tính cá nhân của bạn, ví dụ như Facebook sẽ biết tên thật và một số thông tin cụ thể của bạn mà nó thu thập trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng.
• Data Not Linked to You (dữ liệu không được liên kết với bạn): Các thông tin được thu thập nhưng không được dùng để liên kết với danh tính trực tuyến của bạn. Nói cách khác, dữ liệu được thu thập nhưng không được dùng để xây dựng hồ sơ cá nhân hóa của người dùng.
Mỗi ứng dụng sử dụng dữ liệu theo nhiều cách khác nhau, vì thế có thể bạn sẽ không thấy đầy đủ 3 mục trên trong phần mô tả chi tiết của App Privacy. Ví dụ, nhãn App Privacy của ứng dụng Facebook sẽ không có mục “Data Not Linked to You” nhưng ứng dụng Signal lại chỉ có mục này trong phần mô tả về quyền riêng tư của nó.
Có những trường hợp cá biệt như Facebook thì danh mục các dữ liệu bị nó thu thập để theo dõi bạn kéo dài hơn hẳn nhiều ứng dụng khác, đó có thể là một trong những lý do mà Facebook không hài lòng khi Apple công khai về hành vi của ứng dụng này. Nhưng đó là cách mà Apple muốn tạo ra sự khác biệt với đối thủ: Bảo vệ lợi ích và quyền riêng tư của người dùng.
Cách đánh giá bảo mật ứng dụng trước khi cài lên iPhone - ảnh 2

Chi tiết về chính sách sử dụng dữ liệu cá nhân của ứng dụng iOS đã được công khai

Ảnh chụp màn hình

Bạn có thể làm gì khi không thích cách một ứng dụng sử dụng dữ liệu của bạn?

Nếu bạn thấy một số thông tin và quyền truy cập nhạy cảm của một ứng dụng trên App Store không phù hợp với mình, thì tùy chọn đầu tiên mà bạn có thể tránh chúng là không cài đặt ứng dụng đó và thử tìm các ứng dụng thay thế phù hợp hơn. Ví dụ, bạn có thể sử dụng Signal thay vì WhatsApp nếu lo ngại về việc liên kết dữ liệu để theo dõi người dùng.
Tùy chọn thứ hai là yêu cầu nhà phát triển tạo ra một phiên bản ít xâm phạm quyền riêng tư hơn, dù tỷ lệ đặt cược về khả năng thành công của tùy chọn này là thấp và cũng mất thời gian. Với cách quản lý và công khai về chính sách riêng tư của ứng dụng mới, chúng ta có thể hy vọng dưới áp lực của Apple thì ngành công nghiệp ứng dụng sẽ chú ý hơn tới vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng. Còn với Apple, họ đang “bắn” một mũi tên trúng cả hai đích: Tạo ra sự khác biệt với đối thủ và bảo vệ người dùng của họ.
Nguồn bài viết