Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, thống kê thiệt hại và huy động các lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân, đồng thời thăm hỏi, động viên gia đình có người thương vong.
Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan duy trì trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, tháng 4-5 là thời điểm giao mùa ở khu vực miền Bắc. Sự đan xen giữa các khối khí nóng, lạnh thường gây ra các đợt mưa dông dữ dội, kèm theo nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia khuyến cáo, thời gian tới, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh vẫn tiếp tục xảy ra, có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Do vậy, các các địa phương trong cả nước cần chủ động các phương án ứng phó kịp thời.
Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, tại tỉnh Hà Giang, mưa to kèm theo gió lốc mạnh khiến một cháu bé 5 tuổi tử vong, 2 người bị thương, 30 ngôi nhà, trường học ở xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn) và 4 trụ sở thôn bị tốc mái. Nhiều công trình phúc lợi bị hư hỏng nặng. Ước tính thiệt hại do thiên tai ở huyện Đồng Văn là trên 1 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La, dông lốc và mưa to đã làm đổ mái nhà khiến ông Lò Văn Vấn, ở bản Lọng Đán, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai bị thương. Ngoài ra, 337 nhà bị tốc mái, đổ sập. Huyện Phù Yên bị mất điện toàn huyện do hư hỏng nặng hệ thống đường điện 110KV. Cùng với đó, nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè vào các phương tiện của nhân dân và gây ách tắc cục bộ tại một số điểm của Quốc lộ 37 và 43 đoạn qua địa bàn huyện...
Tại Thủ đô Hà Nội, mưa dông kèm sấm sét đã làm 415 cây xanh bị gãy, đổ, nghiêng trên nhiều quận, huyện. Một số nơi như ở huyện Mỹ Đức, Hồ Tây xuất hiện mưa đá.
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh Bắc Kạn, tính đến 17 giờ, ngày 21/4, dông, tố lốc đã làm 588 ngôi nhà bị tốc mái. Gió to, mưa lớn cũng làm 179,95 ha ngô, thuốc lá, keo, mỡ, cây ăn quả bị gẫy đổ; 57 chuồng trại, lán bị ảnh hưởng; 1 cột điện đổ, 1 cầu treo bị tốc mặt cầu tại huyện Na Rì; 3 nhà văn hóa thôn, 2 trụ sở xã, 4 trường học bị ảnh hưởng… Thiệt hại ước tính đến thời điểm hiện tại khoảng 4 tỷ đồng.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa dông đã làm 117 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái.
Mưa to kèm theo dông lốc đêm 19/4 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã làm 2 người bị thương, 150 nhà dân, 2 nhà xưởng đã bị sập đổ và tốc mái, 224 ha ngô và cây lâm nghiệp bị thiệt hại.
Tại tỉnh Phú Thọ, mưa to kèm dông lốc đã làm 1 người ở xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao bị thương, 891 ngôi nhà bị thiệt hại, 19 trường học bị hư hỏng, 12 trạm y tế, nhà văn hóa, cơ quan Nhà nước ở nhiều địa phương bị tốc mái. Toàn tỉnh có 4 cột viễn thông bị đổ, 7 nhà xưởng bị tốc mái, đổ sập, 134 cột điện hạ thế; gần 200 ha lúa, 311,8 ha ngô và rau màu, 80 ha chuối và 137 ha cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; 1.500 con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại ước tính trên 34 tỷ đồng.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng thông tin, vào đêm 19/4, rạng sáng 20/4, trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Hòa An, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang đã xảy ra mưa dông, lốc khiến 903 nhà ở bị tốc mái. Điểm Trường Mầm non Chí Thảo (xã Chí Thảo), Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Háng Chấu (xã Cai Bộ, huyện Quảng Hòa); cổng trường Trường Trung học Cơ sở Triệu Nguyên (xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình); Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn (huyện Quảng Hòa) bị tốc mái, đổ gẫy. Dông lốc làm 131 ha cây ngô, một số cây lâm nghiệp lâu năm bị đổ, gẫy. Lưới điện hạ thế tại xã Ngọc Động, huyện Quang Hòa bị đứt…
Mưa dông kèm theo lốc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã làm 102 ngôi nhà, 1 điểm trường, 1 cơ sở y tế, 2 nhà văn hóa bị ảnh hưởng, tốc mái, hư hỏng về tài sản; 50 ha lúa, 82,7 ha hoa màu bị ảnh hưởng; trên 500 con gia súc, gia cầm bị chết; 17 cột điện gãy đổ; 39 công trình và hàng trăm mét tường rào bị đổ sập, hư hỏng,… Tổng thiệt hại ước tính trên 5 tỷ đồng.
Tổng hợp báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lạng Sơn, tính đến 15 giờ ngày 21/4, gió lốc đã làm 8 nhà bị tốc mái, thiệt hại trên 70%, 764 công trình phụ, 118,7 ha nông nghiệp… bị ảnh hưởng.