Các đại tỉ phú Việt Nam làm gì để kiếm ngàn tỉ?

3 năm trước 248
Các đại tỉ phú Việt Nam làm gì để kiếm ngàn tỉ? - Ảnh 1.

Top 7 tỉ phú đôla trên sàn chứng khoán Việt

Những gia đình trong câu lạc bộ ngàn tỉ

Trong danh sách 112 tỉ phú sở hữu từ 1.000 tỉ đồng trở lên trên sàn chứng khoán Việt, nhiều doanh nhân đã giúp những người thân trong gia đình bước vào "câu lạc bộ" ngàn tỉ.

Cái tên đầu tiên không thể thiếu là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, hiện giữ vị trí 334 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh năm 2021 do Forbes bình chọn.

Ông Vượng được biết đến với vai trò chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Vingroup (mã chứng khoán VIC) - doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 16,5 tỉ USD (22-6). Tỉ phú này cũng giữ chức thành viên HĐQT Vinhomes.

Theo báo cáo thường niên 2020, trong cơ cấu cổ đông lớn của Vingroup, ông Vượng giữ hơn 876 triệu cổ phần (25,43%). Ngoài ra ông Vượng cũng sở hữu gián tiếp hơn 1 tỉ cổ phiếu VIC thông qua Tập đoàn Đầu tư Việt Nam do mình lãnh đạo.

Quy đổi theo thị giá cổ phiếu hiện hành, tổng số cổ phần trên đạt khoảng trên 224.982 tỉ đồng, xấp xỉ 9,8 tỉ USD.

Thành công của ông Vượng tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình cũng rạng danh trong bảng xếp hạng những người sở hữu ngàn tỉ trên sàn chứng khoán.

Bà Phạm Thu Hương, vợ tỉ phú Vượng, hiện giữ chức phó chủ tịch HĐQT Vingroup, nắm trên 151 triệu cổ phiếu tập đoàn, tương đương hơn 17.734 tỉ đồng.

Bên phía gia đình vợ tỉ phú Vượng, bà Phạm Thúy Hằng (em vợ) và chồng (em rể) cũng "thơm lây" với tổng tài sản 11.843 tỉ đồng, bà Phạm Hồng Linh (chị vợ) có 1.424 tỉ đồng nhờ nắm cổ phần Vingroup.

Cơn sốt cổ phiếu thép đã giúp ông Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, HPG) bứt tốc, vươn lên thành người giàu thứ nhì sàn chứng khoán.

Với 864 triệu cổ phiếu HPG, tổng tài sản của ông Long đạt hơn 44.237 tỉ đồng. Hậu phương của tỉ phú Long là bà Vũ Thị Hiền cũng nắm hơn 243 triệu cổ phiếu HPG, xấp xỉ 12.445 tỉ đồng. Sở hữu cổ phiếu của công ty do cha tạo dựng, cậu con trai Trần Vũ Minh cũng có khối tài sản khoảng 2.458 tỉ đồng.

Em gái, anh trai, cháu hai bên nội ngoại của tỉ phú Long cũng có trong tay tiền tỉ nhờ cổ phiếu Hòa Phát tăng giá.

Từ giữa năm nay, ông Bùi Thành Nhơn (chủ tịch HĐQT Tập đoàn địa ốc No Va - Novaland, NVL) bước vào top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán, nhờ cổ phiếu bất động sản tăng giá. Với hơn 317,3 triệu cổ phiếu Novaland, ông Nhơn có khoảng 34.590 tỉ đồng.

Với hơn 54,7 triệu cổ phiếu Novaland trong tay, thiếu gia nhà Nova là Bùi Cao Nhật Quân sở hữu tài sản hơn 6.760 tỉ đồng. Gộp cả cổ phần tại hai công ty chưa niêm yết là Novagroup và Diamond Properties, tổng tài sản của ông Quân nâng lên hơn 17.575 tỉ đồng.

Bà Cao Thị Ngọc Sương - vợ tỉ phú Nhơn - cũng nắm hơn 80,4 triệu cổ phiếu Novaland, tương ứng 8.765 tỉ đồng. Em trai của bà Sương cũng sở hữu cổ phần tại tập đoàn này.

Giữ vị trí người giàu thứ tư sàn chứng khoán, ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch HĐQT Techcombank, TCB) nắm tổng tài sản hơn 29.073 tỉ đồng, nhờ sở hữu hơn 39,3 triệu cổ phiếu Techcombank và hơn 249,2 triệu cổ phiếu Masan. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - vợ tỉ phú Anh - cũng có trong tay 9.391 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, những người thân của ông Anh cũng dắt nhau trở thành tỉ phú, bao gồm mẹ (8.776 tỉ đồng), con trai (6.953 tỉ đồng), em gái (3.509 tỉ đồng) nhờ mua cổ phiếu Techcombank.

Tạm thời đứng vị trí cuối trong top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan, thành viên HĐQT hàng tiêu dùng Masan, phó chủ tịch Techcombank), sở hữu tài sản hơn 28.105 tỉ đồng. Lượng cổ phiếu mà vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến hiện nắm giữ cũng có giá trị hơn 4.698 tỉ đồng.

Các đại tỉ phú Việt Nam làm gì để kiếm ngàn tỉ? - Ảnh 2.

Nhiều tỉ phú giàu lên nhờ bất động sản. Trong ảnh là các dự án bất động sản tại TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI

Không chỉ có bất động sản và ngân hàng

Sau top 5 tỉ phú Vượng - Nhơn - Long - Anh - Quang, hiện còn có 2 tỉ phú khác cũng sở hữu tài sản trên 1 tỉ USD (23.000 tỉ đồng) trên sàn chứng khoán. 

Gương mặt mới xuất hiện là ông Nguyễn Văn Đạt (chủ tịch Phát triển Bất động sản Phát Đạt, PDR), sở hữu hơn 297,6 triệu cổ phiếu Phát Đạt, khoảng 26.941 tỉ đồng, đứng vị trí thứ 6. 

Trong khi đó, tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Hãng hàng không Vietjet, chủ tịch Sovico) tạm thời lùi xuống vị trí thứ 7 với 25.068 tỉ đồng.

Có thể thấy, trong top 7 tỉ phú Vượng - Nhơn - Long - Anh - Quang - Đạt - Thảo, có tới 4 doanh nghiệp bất động sản đình đám là Vingroup (Vinhomes), Novaland, Phát Đạt và Sovico.

Kể cả vua thép Trần Đình Long cũng chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2021: "Không ai có thể làm thép mãi được". Hòa Phát xác định một trong những mũi nhọn trong thời gian tới chính là bất động sản.

Theo thống kê của Tuổi Trẻ Online, bên cạnh bất động sản, ngân hàng cũng là mảng sở hữu hàng loạt các tỉ phú.

Chẳng hạn cả tỉ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đều giữ chức vụ quan trọng trong Techcombank. Hay tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang kiêm thêm chức phó chủ tịch HDBank.

Thị trường "thăng hoa", cổ phiếu ngành chứng khoán được săn đón, các lãnh đạo cũng giàu thêm. Các tỉ phú chứng khoán phải kể đến ông Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch Chứng khoán SSI, 4.005 tỉ đồng), ông Tô Hải (CEO Chứng khoán Bản Việt, 4.012 tỉ đồng).

Sự trỗi dậy của mảng công nghệ trong thời gian qua cũng góp phần đưa tài sản của nhiều tỉ phú tăng cao, điển hình như tỉ phú Nguyễn Đức Tài (chủ tịch Thế giới di động, 9.267 tỉ đồng), Trương Gia Bình (chủ tịch FPT, 4.789 tỉ đồng), Đoàn Hồng Việt (CEO Thế giới số, 2.118 tỉ đồng)…

Ở mảng chăn nuôi - nông nghiệp có ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) và ông Nguyễn Như So (chủ tịch Dabaco Việt Nam) sở hữu khối tài sản lần lượt 1.984 tỉ đồng và 2.028 tỉ đồng.

Theo thống kê, có 33/111 nữ tỉ phú sở hữu tài sản hơn 1.000 tỉ đồng, nhiều người trong số họ đang lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, như: bà Trương Thị Lệ Khanh (chủ tịch Vĩnh Hoàn, 3.613 tỉ đồng), bà Nguyễn Thị Mai Thanh (chủ tịch REE, 2.195 tỉ đồng), bà Đặng Huỳnh Ức My (chủ tịch Đầu tư Thành Công, 2.234 tỉ đồng), bà Huỳnh Bích Ngọc (chủ tịch Thành Thành Công - Biên Hòa, 1.562 tỉ đồng), bà Lê Thu Thủy (CEO Ngân hàng Đông Nam Á, 1.401 tỉ đồng), bà Chu Thị Bình (chủ tịch Thủy sản Minh Phú, 1.437 tỉ đồng), bà Đặng Thu Thủy (thành viên HĐQT Ngân hàng Á Châu, 1.121 tỉ đồng), bà Cao Thị Ngọc Dung (chủ tịch PNJ, 1.117 tỉ đồng)…

Đại diện One IBC - tập đoàn đã tư vấn đầu tư cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước - nhận định những doanh nhân, tỉ phú Việt Nam đã đưa tên tuổi hàng Việt, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới, được thế giới ghi nhận. Họ cũng là những người đã đóng góp tạo dựng nên hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động, khát vọng và bản lĩnh.

photo-1

Chuyên mục Nhịp sống thương trường với sự đồng hành của One IBC, công ty cung cấp các dịch vụ tài chính, thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư trong nước và quốc tế.

Ai sẽ lên ngôi Ai sẽ lên ngôi 'vua' trong cuộc đại chiến cà phê tỉ đô?

TTO - Masan chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần của Phúc Long, PhinDeli về đội Novaland… cùng cạnh tranh với những Starbucks, Highlands, Trung Nguyên... Sự tham gia của các đại gia khiến cho cuộc đại chiến cà phê ngày càng khốc liệt.

Nguồn bài viết