Các 'đại gia phố núi': Vùng vẫy thoát thua lỗ, thay tên mong đổi vận

3 năm trước 460
 Vùng vẫy thoát thua lỗ, thay tên mong đổi vận - Ảnh 1.

Bộ ba "đại gia phố núi": bà Nguyễn Thị Như Loan (thành viên HĐQT, tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai) - ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch HĐQT HAGL) - ông Bùi Pháp (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long)

Hoàng Anh Gia Lai: bầu Đức gửi thư, hứa xóa gần 5.900 tỉ đồng nợ BIDV

Nhiều năm qua "thua lỗ" và "nợ nần" là các từ khi nhắc đến Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT).

Giữa lúc giá cổ phiếu HAG rơi vào vùng đáy, neo quanh mốc 5.000 đồng, bầu Đức gửi thư tới các cổ đông.

"Tập đoàn đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để hoàn tất trả nợ trái phiếu này trước cuối năm 2025", ông Đức cho hay.

Sau nửa đầu năm 2021, HAGL đã giảm hơn 52% khoản nợ phải trả xuống còn xấp xỉ 12.975 tỉ đồng. Riêng khoản nợ trái phiếu liên quan đến BIDV đã chiếm tới 5.876 tỉ đồng.

Năm nay bầu Đức tập trung hai ngành chủ lực chăn nuôi và trồng cây ăn trái. Dự kiến cuối năm nay hoàn thiện hệ thống chuồng trại, sẵn sàng từ năm 2022 triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng/năm. Tập đoàn đầu tư duy trì 10.000 ha trồng chuối và các loại cây ăn trái khác.

Lũy kế nửa đầu năm 2021, HAGL lãi ròng hơn 18 tỉ đồng, cú lội ngược dòng ngoạn mục khi cùng kỳ năm trước lỗ ròng hơn 1.390 tỉ đồng. Sau nửa năm, tài sản HAGL giảm mạnh hơn một nửa, từ 37.200 tỉ đồng xuống còn 18.100 đồng.

Hiện bầu Đức nắm gần 320 triệu cổ phiếu HAG (tỉ lệ sở hữu 34,5%), xấp xỉ 1.600 tỉ đồng theo thị giá.

Đức Long: Thay tên, "đổi vận"

Tại đại hội thường niên 2021, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) do doanh nhân Bùi Pháp làm chủ tịch đã thống nhất đổi tên mới thành Tập đoàn Đức Long - DL Group.

Lý do vì cái tên gắn liền với vùng đất Gia Lai đã hoàn thành sứ mệnh gần ba thập kỷ, đến nay tập đoàn đã vươn ra Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... nên cần tên mới phù hợp hơn.

Chịu tác động nặng bởi dịch COVID-19 và thiên tai, nên các mảng kinh doanh khách sạn, bến xe, linh kiện điện tử, thủy điện, nông nghiệp... của tập đoàn này đều bị ảnh hưởng. Năm 2020 doanh thu thuần giảm 29% xuống 2.035 tỉ đồng. Do chi phí cao dẫn đến lỗ sau thuế gần 930 tỉ đồng, lần đầu tiên lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE.

Tổng 6 tháng đầu năm 2021, tập đoàn mang về doanh thu thuần 903 tỉ đồng (+11% so cùng kỳ 2020), lãi ròng 25 tỉ đồng, hoàn thành 47% kế hoạch cả năm. Đến cuối quý 2, tài sản tập đoàn nằm mức 8.168 tỉ đồng. Khoản nợ phải trả giảm nhẹ xuống 5.641 tỉ đồng.

Riêng cá nhân ông Bùi Pháp giữ hơn 74,2 triệu cổ phiếu DLG (24,8%), tổng giá trị gần 216 tỉ đồng.

Quốc Cường Gia Lai: Trăm sự cậy nhờ bất động sản

Từ một xí nghiệp chuyên chế biến gỗ, mua bán và xuất khẩu nông lâm sản… Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã chuyển sang kinh doanh bất động sản với nhiều dự án như De Capella (TP.HCM), Marina (Đà Nẵng)...

Năm 2020, doanh thu thuần đạt gần 1.868 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế hơn 102 tỉ đồng, cao gấp 2,1 lần và 1,3 lần so với năm trước, mảng bất động sản góp hơn 91%.

Theo báo cáo tài chính quý đầu năm 2021, nhờ bàn giao căn hộ, doanh thu thuần của Quốc Cường Gia Lai đạt 347 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do doanh thu hoạt động tài chính giảm trầm trọng, chi phí cao, nên lãi ròng sau thuế còn 19,3 tỉ đồng (-36%).

Cuối năm 2020, bà Nguyễn Thị Như Loan rời chức chủ tịch để làm thành viên HĐQT và tổng giám đốc, nhằm đáp ứng quy định của công ty đại chúng. Trước đó, con trai Nguyễn Quốc Cường cũng rút khỏi doanh nghiệp.

Theo báo cáo tình hình quản trị năm 2020, bà Như Loan nắm gần 102 triệu cổ phiếu QCG (37,5%), con trai Quốc Cường và con gái Huyền My giữ lần lượt 537.500 cổ phiếu và gần 39,4 triệu cổ phiếu. 

Hai em ruột bà Loan cũng mua cổ phiếu QCG. Tổng cổ phiếu do bà Như Loan và người nhà nắm giữ chiếm hơn 55% tỉ lệ sở hữu, xấp xỉ 946 tỉ đồng.

Nhiều sếp tập đoàn bất động sản nhảy sang điều hành ngân hàngNhiều sếp tập đoàn bất động sản nhảy sang điều hành ngân hàng

TTO - Từ đầu năm đến nay, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn bất động sản đã nhảy sang ngồi 'ghế nóng', điều hành các ngân hàng.

Nguồn bài viết