Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ sẽ sớm có chương trình phục hồi nền kinh tế, trong đó khôi phục thị trường lao động là nội dung quan trọng - Ảnh: TỐNG GIÁP
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về triển khai nghị quyết 68, nghị quyết 116, nghị quyết 126 hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19 chiều 15-10.
Thiếu lao động ngay tháng tới
Nhận định về sự thiếu hụt lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Hà Nội và các tỉnh thành từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc không đáng ngại lắm, nhưng từ Đà Nẵng trở vào, các đầu tàu kinh tế như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh rõ ràng rất đáng ngại".
Lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Bình Phước cho biết các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển mới 9.000 lao động để mở rộng sản xuất sau dịch. Hiện tỉnh này đã có kế hoạch để cung ứng trong tháng 12 năm nay hoặc tháng đầu năm 2022.
Tại Bình Dương, tỉnh này dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong quý 4-2021 vào khoảng 40.000 người để hoàn thành đơn hàng đã ký kết và đơn hàng mới.
Trong khi ở TP Cần Thơ, số lao động đang làm việc tại địa phương mới đạt trên 7.000 người. Con số này chỉ đạt khoảng 18% so với tổng số lao động trước dịch (trên 40.000 người) nên nhu cầu tuyển dụng ở giai đoạn phục hồi là rất lớn.
Còn ở TP.HCM, địa phương này dự báo thiếu hụt 60.000 lao động ngay trong quý 4-2021, mặc dù đã có khoảng 100.000 lao động trở lại làm việc ở thành phố.
Nhận định về tình hình các tỉnh, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nói: "Nếu để đứt gãy thị trường lao động thì tốn kém rất nhiều, hệ quả phải khắc phục nặng hơn rất nhiều lần".
Theo ông Dung, nhiều nơi có thể đứt gãy thị trường lao động do doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, trả lương cho người lao động, nhiều lao động chưa được tiêm vắc xin…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn số liệu hơn 600.000 lao động di cư về quê đợt này hầu hết là người lao động ở ngoài khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI.
Do đó, ông đề nghị sở lao động - thương binh và xã hội các địa phương, nhất là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh... hoàn thiện báo cáo tình hình thị trường lao động, thiếu hụt nhân lực ở khu vực nào, doanh nghiệp nào để có giải pháp.
Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang rà soát, tập hợp những địa phương khó khăn khi triển khai nghị quyết 68, nghị quyết 126 để trình lên Chính phủ xem xét, chỉ đạo - Ảnh: HÀ QUÂN
Địa phương khó khăn cần báo cáo Chính phủ ngay
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề cập về thông tin tỉnh Quảng Ngãi không hỗ trợ 137.000 lao động tự do vì ngân sách eo hẹp, tập trung nguồn lực phòng chống dịch COVID-19. Ông cho hay đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh để trao đổi về vấn đề này.
Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội Quảng Ngãi, tỉnh có hơn 137.000 lao động tự do, số tiền hỗ trợ từ 137 - 200 tỉ đồng, trong khi năm 2019 tỉnh đã hụt thu gần 2.700 tỉ đồng, con số hụt thu năm 2020 trên 3.100 tỉ đồng. Hiện, nguồn lực của tỉnh chỉ còn khoảng 5 tỉ đồng để lo cho các đối tượng cấp thiết hơn.
Lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh cho hay Quảng Ngãi dù không chi ngân sách cho lao động tự do nhưng vẫn hỗ trợ những người khó khăn, nhất là lao động từ TP.HCM về.
Để kịp thời hỗ trợ người lao động, ông Dung đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sớm có văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tình hình thực tế để được hỗ trợ kịp thời.
Báo cáo nhanh của Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho thấy, tính đến hết ngày 14-10, nghị quyết 68 đã hỗ trợ hơn 24,26 triệu lượt đối tượng với số tiền trên 21,89 nghìn tỉ đồng.