Bốc dỡ hàng hóa tại cảng cá La Gi, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Trước đó, ngày 24-7, UBND thị xã La Gi đã quyết định đóng cửa cảng cá La Gi, ngưng toàn bộ hoạt động trên bờ lẫn dưới biển do có nhiều ca mắc COVID-19 ghi nhận tại đây.
Thời điểm này đang vào chính vụ cá nam, địa phương quyết định cho các loại tàu cá trên hoạt động trở lại nhằm tạo điều kiện cho ngư dân được vươn khơi, cải thiện cuộc sống nhưng phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt phòng chống dịch.
Theo đó, chủ tàu cá phải trình báo với các đơn vị chức năng trước khi xuất cảng, cam kết chấp hành nghiêm sự kiểm tra, hướng dẫn trong hoạt động thủy sản trên biển. Trước khi lên tàu cá, toàn bộ thuyền viên phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 hoặc cung cấp kết quả âm tính trong vòng 72 giờ.
Sau khi được cấp thẻ xuất bến, chủ các tàu cá liên hệ với Ban quản lý cảng cá La Gi để chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, các nhu yếu phẩm khác phục vụ cho việc ra khơi. Mọi thuyền viên phải ở lại trên tàu cho đến thời điểm xuất bến hoạt động, hạn chế việc đi lại trên bờ để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Khi nhập bến, thuyền trưởng phải thông báo bằng các phương tiện thông tin liên lạc cho ban quản lý cảng cá La Gi trước 3 giờ và chịu sự hướng dẫn của lực lượng chức năng về thời gian, địa điểm.
Phương tiện và toàn bộ thuyền viên trên tàu phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn của Trạm kiểm soát biên phòng La Gi, chốt kiểm soát phòng chống dịch liên ngành thị xã tại cảng cá La Gi.
Hải sản phải được bốc dỡ và vận chuyển ra khỏi cảng cá La Gi theo phương án của ban quản lý cảng.
Đây là cảng cá loại II, kết hợp là khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền với quy mô trên 2.000 chiếc. Lượt tàu thuyền ra vào cảng với mật độ lớn nhất ở tỉnh Bình Thuận.
Tính đến tối 11-8, tại thị xã La Gi đã ghi nhận 1.035 ca mắc COVID-19, chiếm 1% dân số địa phương. Đây là điểm nóng về dịch COVID-19 cả tỉnh Bình Thuận.