Các nước cho bệnh nhân COVID-19 điều trị ở nhà ra sao?

3 năm trước 265
Các nước cho bệnh nhân COVID-19 điều trị ở nhà ra sao? - Ảnh 1.

Cảnh tại một khu vực thuộc thủ đô Phnom Penh (Campuchia) trong đợt phong tỏa 14 ngày hồi tháng 4-2021 - Ảnh: REUTERS

Báo Khmer Times ngày 10-7 cho biết Campuchia đang quá tải bệnh viện vì đông bệnh nhân COVID-19, vì vậy hơn 900 người với triệu chứng nhẹ đang được điều trị tại nhà, theo hướng dẫn của chính quyền.

Giám đốc cơ quan y tế Phnom Penh, ông Ngy Mean Heng, hôm 9-7 cho biết số bệnh nhân F0 được điều trị tại nhà là 915 người, trong đó có 268 người đã hồi phục và 647 người tiếp tục theo dõi.

Theo ông Ngy Mean Heng, đối với những bệnh nhân được điều trị tại các trung tâm y tế được chỉ định, họ có thể yêu cầu được theo dõi bệnh tại nhà.

Những người này sẽ được yêu cầu ký vào một thỏa thuận, biên bản cho thấy họ tự nguyện rời bệnh viện, và chính quyền địa phương sẽ là những người chịu trách nhiệm chăm sóc.

Từ ngày 21-6, Bộ Y tế Campuchia đã áp dụng bộ quy định vận hành tiêu chuẩn cho việc quản lý, chăm sóc và điều trị tại nhà đối với bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.

Quy định này đòi hỏi người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân, xử lý chất thải an toàn…

Chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm phân phối vật tư y tế để điều trị bệnh nhân, cũng như giám sát và đánh giá hoạt động của đội ngũ y tế.

Các nước khác đã bắt đầu hướng dẫn về việc cách ly, điều trị tại nhà với bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ lâu nay.

Ở Ấn Độ, quốc gia từng cảnh báo bệnh nhân đừng đổ xô vào bệnh viện gây quá tải, những người có triệu chứng nhẹ và trung bình luôn được khuyến cáo cách ly tại nhà.

Cơ quan y tế tại Ấn Độ đánh giá bản chất của triệu chứng và thời gian ủ bệnh rơi vào từ 5 tới 12 ngày, vì vậy việc phục hồi sau khi nhiễm virus có thể mất ít nhất 14 ngày.

Căn cứ vào đó, giai đoạn cách ly tại nhà cho bệnh nhân F0 sẽ từ 14 tới 17 ngày kể từ lúc bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Trong khi đó, những người bị nhiễm bệnh nhưng không triệu chứng chỉ phải cách ly 10 ngày kể từ lúc xét nghiệm và phát hiện có virus trong người.

Thời gian chấm dứt cách ly cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn, được điều chỉnh theo khuyến cáo của bác sĩ. Nếu một người không bị sốt trong 3 ngày, hoặc dùng thuốc hạ sốt và tự quan sát thấy cải thiện sức khỏe, đây có thể coi là tình trạng an toàn và có thể chấm dứt cách ly, theo Times of India.

Tương tự, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Ấn Độ cũng áp dụng cách ly tại nhà đối với bệnh nhân COVID-19, thuộc nhóm có triệu chứng nhưng có thể hồi phục ở nhà, hoặc nhóm xét nghiệm dương tính với virus nhưng không có triệu chứng.

Các nhóm này được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần chăm sóc y tế. Bệnh nhân cũng được khuyến cáo vệ sinh sạch sẽ, ở trong một căn phòng riêng biệt (với các thành viên khác trong gia đình, nếu có) và sử dụng đồ vật riêng như phòng tắm, cốc uống nước, khăn… và tránh tiếp xúc với người khác cũng như vật nuôi.

Họ chỉ có thể tiếp xúc với người khác ít nhất 10 ngày tính từ lúc xuất hiện triệu chứng, và ít nhất 24 giờ sau khi không bị sốt (và không cần dùng thuốc hạ sốt), cũng như các triệu chứng khác được cải thiện.

Theo CDC Ấn Độ, việc mất vị giác hay khứu giác có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi bình phục, và điều này không ảnh hưởng gì tới việc chấm dứt cách ly tại nhà.

Ở Anh, bệnh nhân có thể về nhà cách ly nếu thể trạng ổn định, hô hấp ổn định, đang phục hồi và nhu cầu chăm sóc liên tục tại nhà được đáp ứng. Bệnh nhân ở bệnh viện muốn về cần có xét nghiệm trước 48 tiếng. Khi về nhà, họ phải tự cách ly trong 14 ngày kể từ lần xét nghiệm dương tính cuối cùng.

Phần lớn bộ y tế hoặc cơ quan y tế các nước đều ban hành hướng dẫn chi tiết cho cách ly F0, cũng như chăm sóc bệnh nhân tại nhà trên website.

TP.HCM chính thức thí điểm cho cách ly F1 tại nhàTP.HCM chính thức thí điểm cho cách ly F1 tại nhà

TTO - Ngày 8-7, UBND TP.HCM có văn bản hướng dẫn thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 trên toàn địa bàn TP.HCM.

Nguồn bài viết