Tờ The Times hôm 9.8 cho biết nhóm các nhà lập pháp liên đảng của Vương quốc Anh lo ngại rằng Bắc Kinh có thể buộc Didi giao nộp dữ liệu theo luật Tình báo quốc gia năm 2017, yêu cầu tất cả công ty Trung Quốc phải hợp tác với các cơ quan tình báo nhà nước.
“Ở Trung Quốc, họ theo dõi chuyển động của mọi người. Họ đưa phần mềm gián điệp vào điện thoại của người dân. Vì vậy, nếu bạn sử dụng một trong những dịch vụ gọi xe mới này, bạn sẽ làm gì để ngăn họ tung phần mềm gián điệp vào điện thoại của bạn, như cách họ làm ở Trung Quốc?”, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith nói.
Yasmin Qureshi, nghị sĩ đảng Lao động đối lập, cũng tham gia vào cuộc chỉ trích của khi nói rằng: “Tôi nghĩ chính phủ của chúng ta nên làm rõ về việc liệu dữ liệu có được lưu giữ ở Trung Quốc hay không và làm thế nào để giảm thiểu rủi ro dữ liệu nhạy cảm của người dùng được chuyển cho chính phủ Trung Quốc”.
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Tim Loughton thì cho rằng khả năng độc lập của Didi, cũng giống như tất cả các công ty Trung Quốc khác, chỉ là bề ngoài, “mọi con đường cuối cùng sẽ đều quy về chính phủ Trung Quốc”. Didi ra mắt ở Anh chủ yếu là để “thu thập dữ liệu và xâm nhập vào an ninh của Vương quốc Anh”.
Thái độ gay gắt từ các nghị sĩ là sự phản đối mới nhất trong số những đánh giá liên quan đến các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Vương quốc Anh, bao gồm lệnh cấm Huawei Technologies tham gia vào hoạt động triển khai 5G hồi năm ngoái. Tuy nhiên, hiện Văn phòng Ủy viên Thông tin, cơ quan quản lý việc bảo vệ dữ liệu, vẫn không nhận được yêu cầu điều tra Didi. “Chúng tôi dường như không nhận được bất kỳ khiếu nại nào về Didi và không có cuộc điều tra hoặc yêu cầu nào đang diễn ra. Nếu có bất kỳ mối quan tâm nào được nêu ra, chúng tôi sẽ đánh giá những vấn đề đó theo quy trình thông thường của chúng tôi”.
Đầu năm nay, Didi đã được cấp giấy phép hoạt động tại các thành phố lớn của Vương quốc Anh, bao gồm Manchester, Salford, Wolverhampton và Sheffield. Cả bốn thành phố này đều có số người Trung Quốc sinh sống ngày càng tăng, trong đó Đại học Manchester là nơi tự hào có số lượng sinh viên Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu cách nay hai năm. Được biết, Didi đã có mặt tại Canada, Úc, Nga, Nhật Bản, Nam Phi, một số nước ở Mỹ Latin và châu Phi, với tổng số 400 triệu khách hàng. Tuy nhiên, Vương quốc Anh là nơi quan trọng đánh dấu bước đột phá đầu tiên vào thị trường Tây Âu của hãng dịch vụ gọi xe.
Didi dự kiến sẽ có một chuyến đi gập ghềnh khi bước chân vào châu Âu trong bối cảnh quy định thay đổi nhanh chóng. Đầu năm nay, một tòa án của Vương quốc Anh đã ra lệnh cho đối thủ Uber phải đối xử với tài xế như những người lao động được hưởng các quyền lợi cơ bản như lương nghỉ lễ và ốm đau. Các quốc gia châu Âu khác cũng đang tiến hành đánh thuế nhằm vào các nền tảng công nghệ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tăng cường áp đặt các quy tắc bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt theo Quy định chung về bảo vệ dữ liệu.
Lo ngại về bảo mật dữ liệu cũng là một phần lý do khiến Bắc Kinh đưa Didi vào diện rà soát an ninh quốc gia hồi tháng trước. Các nhà chức trách Trung Quốc đã cấm công ty đăng ký người dùng mới và yêu cầu xóa ứng dụng của Didi khỏi các cửa hàng ứng dụng ở đại lục. Bloomberg đưa tin hôm 6.8, Didi đang cân nhắc từ bỏ quyền kiểm soát dữ liệu có giá trị nhất của mình theo một số đề xuất để xoa dịu các nhà chức trách Trung Quốc, bao gồm cả việc nhượng quyền quản lý dữ liệu của mình cho một bên thứ ba tư nhân.