Giá nguyên vật liệu tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án đầu tư công. Trong ảnh: thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân đầu tư công và đem đến nhiều lo lắng cho các bên tham gia những dự án hạ tầng lớn.
Theo báo cáo tình hình giá cả vật liệu xây dựng, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm vừa gửi tới Ban Chỉ đạo điều hành giá Chính phủ, Bộ Xây dựng cho rằng giá nhiều loại vật liệu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm nay. Vì thế, đại diện nhiều nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, chuyên gia kinh tế cho rằng cần sớm có biện pháp kiểm soát giá cả vật liệu xây dựng, đồng thời thực hiện giải pháp bù trượt giá để bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt dự án hạ tầng quy mô lớn như cao tốc Bắc - Nam.
"Không dám" nhận dự án
Ông Trần Anh Tú, tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), một nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn tại khu vực phía Bắc, nhận định với biến động giá vật liệu xây dựng hiện nay, nhiều nhà đầu tư "không dám" nhận dự án, nhà thầu "không dám" nhận thầu thi công.
Để bảo đảm tiến độ các dự án đang đầu tư, theo ông Tú, rất cần một cơ chế điều chỉnh giá phù hợp. Quan trọng hơn nữa là cơ chế ban hành phải nhanh, việc ra quyết định phải kịp thời mới tăng được hiệu quả hỗ trợ. Tiếp đến, các chủ đầu tư cũng cần được tạo điều kiện cho nhà thầu trong khâu thanh toán như tăng hạn mức tạm ứng để tháo gỡ một phần khó khăn về giá cả.
Đại diện nhà đầu tư đang thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (một dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam), ông Hồ Đình Chung, tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, chia sẻ hầu hết các nhà đầu tư dự án hạ tầng đều đo lường những rủi ro trước khi làm dự án nhưng với biến động giá vật liệu quá lớn thời gian qua, các nhà đầu tư không thể theo kịp thực tế. Hiện nay, nội dung hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước có điều khoản về trường hợp có biến động giá thì được điều chỉnh. Tuy nhiên đây là về mặt nguyên tắc, còn chờ điều chỉnh e rằng rất lâu, rất khó nên khi giá cả leo thang, nhà đầu tư rất lo lắng.
Ông Chung cũng chia sẻ: tập đoàn đã báo cáo với Bộ Giao thông vận tải để đề xuất với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cũng theo ông Chung, nếu không có hỗ trợ điều chỉnh đơn giá theo giá thực tế, hoặc không có hợp đồng điều chỉnh thì thầu chính, thầu phụ sẽ lần lượt "chết".
Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ có chuyện giá tăng mà còn có cả chuyện khan hiếm vật liệu. Vì thế, ngoài cố gắng, nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu thì rất cần sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc ra quyết định chỉ đạo kịp thời để gỡ vướng cho các dự án đang thi công, ông Chung chia sẻ thêm.
Dù không tham gia xây dựng nhiều dự án đầu tư công nhưng ông Lê Viết Hải, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cũng nhìn nhận hầu hết các doanh nghiệp xây dựng trên cả nước đang gặp khó khăn, trước tình trạng "bão giá" vật liệu xây dựng. Để giảm thiệt hại, họ phải thương lượng với chủ đầu tư dự án để bù giá vật tư, thương lượng với các nhà cung cấp vật liệu xây dựng để hạn chế tăng giá, đồng thời ký hợp đồng mua hàng cố định giá. Bên cạnh đó, họ cũng phải cắt giảm lợi nhuận để bù đắp biến động giá cả trên thị trường.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai, tuy nhiên thời gian qua gặp nhiều khó khăn vì giá vật liệu tăng cao - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Cần bù giá kịp thời
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, tính đến ngày 30-6-2022, giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt khoảng 151.046 tỉ đồng, bằng 27,86% kế hoạch Thủ tướng giao. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm một phần do giá nguyên nhiên vật liệu tăng quá cao, nguồn lao động bị thiếu hụt sau dịch.
Trong bối cảnh này, TS Vũ Đình Ánh, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính), cho rằng ưu tiên trước mắt vẫn phải bảo đảm tiến độ đầu tư công. Vì vậy, cần sử dụng ngay khoản chi phí dự phòng trong các hợp đồng để bù trượt giá 6 tháng đầu năm 2022. Nếu hết chi phí dự phòng mà vẫn chưa bù nổi trượt giá vật liệu thì cần bổ sung cơ chế điều chỉnh hợp đồng theo hướng bù trượt giá theo biến động giá thực tế. Cơ chế này phải thực hiện ngay chứ với quy trình như hiện nay, nhiều dự án đầu tư công được dự báo sẽ phải tạm dừng.
Đại diện một nhà đầu tư BOT khu vực miền Trung cũng khẳng định nếu không kiểm soát kịp thời đà tăng giá vật liệu hiện nay, việc triển khai các công trình hạ tầng lớn sẽ hỗn loạn. Mức phí dự phòng thông thường 10% trong các hợp đồng xây dựng hiện không bù nổi biến động tăng giá vật liệu trên thị trường.
Để việc thi công các dự án đầu tư công không bị gián đoạn, ông Lê Viết Hải khuyến nghị Nhà nước nên xem xét bù giá cho doanh nghiệp xây dựng ở những dự án sử dụng vốn ngân sách. Với những hợp đồng ký mới cần bổ sung điều kiện về trượt giá. Trước đây khi thị trường giá cả ổn định thì rất ít chủ đầu tư nào chấp nhận điều khoản trượt giá, nhưng trong bối cảnh khó khăn, giá cả tăng mạnh như hiện nay thì nhiều chủ đầu tư xem nhà thầu là đối tác chiến lược sẽ phải có những giải pháp hỗ trợ để chia sẻ khó khăn. Tất nhiên, muốn làm điều này nhà thầu phải nỗ lực đàm phán với chủ đầu tư, nhà cung cấp, ông Hải nói.
Ông Lê Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho hay với biến động lớn về giá vật liệu từ 2021 đến nay, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị đến các bộ, ngành nhưng đến nay chưa có biện pháp nào hỗ trợ cụ thể giúp các nhà thầu xây dựng vượt qua khó khăn.
Cũng theo ông Hiệp, có 2 vấn đề để bảo đảm tiến độ giải ngân đầu tư công trong bối cảnh giá cả tăng cao hiện nay. Trước hết, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành thông tư yêu cầu các địa phương cập nhật giá vật liệu xây dựng sát thực tế. Địa phương công bố giá nhưng Bộ Xây dựng phải là cơ quan kiểm tra để bảo đảm địa phương cập nhật giá sát thực tế chứ không phải đơn giá lạc hậu, gây khó cho nhà thầu trong khâu thanh quyết toán dự án.
Ngoài ra, hiệp hội cũng đang kiến nghị Bộ Xây dựng cần xây dựng, quản lý đơn giá vật liệu theo hướng bổ sung định mức chưa có và thay đổi những định mức đơn giá lạc hậu. Ngoài việc cập nhật định mức, đơn giá theo thị trường, cần có biện pháp giảm thuế để kéo giảm giá nguyên vật liệu, đặc biệt là các loại vật liệu nhập khẩu.
Đồ họa: N.KH.
6 tháng cuối năm, giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng
Theo Bộ Xây dựng, giá các loại vật liệu xây dựng như thép, nhựa đường, ximăng, cát, đá, gạch... sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng tăng giá từ thị trường nguyên liệu nhập khẩu, chi phí khai thác, sản xuất trong nước tăng. Hơn nữa, những tháng cuối năm là mùa xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ cao hơn.
Cần cơ chế mở cho cao tốc Bắc - Nam
Với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2021 - 2025 thì hiện nay mới dừng ở bước lập hồ sơ, chưa chỉ định thầu, trong khi giá cả tiếp tục leo thang, ông Hồ Đình Chung, tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng không nên chờ đến khi giá vật liệu giảm mới chốt hồ sơ, chọn nhà thầu. Để bảo đảm tiến độ hoàn thành, các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế mở, điều kiện mở để điều chỉnh giá cho các nhà thầu.
Hợp đồng thi công cần được điều chỉnh giá phù hợp với thực tế giá vật liệu tại các địa phương. Ví dụ thực tế thời gian qua cho thấy giá vật liệu đất đắp đường ở Bình Định chỉ 2.000 - 3.000 đồng/m3 nhưng vào tới Bình Thuận thì tăng vọt lên hơn 100.000 đồng/m3, chênh lệch mấy chục lần. Ở đây có trách nhiệm của cả địa phương và ý thức của các nhà cung cấp vật liệu. Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam chạy qua nhiều tỉnh thành, phục vụ sự phát triển chung của đất nước nên cần có cơ chế bình ổn giá giữa các địa phương cho phù hợp.
Ông Chung đánh giá trong 6 tháng qua, chi phí xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn tăng từ 30 - 40%. Riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam, 2 loại vật liệu chính là thép và nhựa đường chiếm khoảng 30% chi phí xây dựng, các loại vật liệu khác như đất, cát đắp nền đường và các loại khác chiếm từ 30 - 40% chi phí xây dựng. Vì thế, tác động của tăng giá các loại vật liệu tới tiến độ dự án rất lớn.
Khu tái định cư sân bay Long Thành ì ạch
Công trình trường học ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn dang dở, không có người thi công - Ảnh: HÀ MI
Tại Đồng Nai, giá vật tư tăng cao đã khiến nhiều nhà thầu đang thi công ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (thuộc dự án sân bay quốc tế Long Thành) phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng.
Theo quy hoạch, ở khu tái định cư này có 11 công trình xã hội (dự án thành phần 2) với tổng mức đầu tư trên 407 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành từ năm 2018 - 2021. Tuy nhiên, đến nay công trình 8 trường học (từ mầm non đến trung học cơ sở), một trung tâm văn hóa và chợ vẫn chưa hoàn thành. Chị Huyền, một người dân nhường đất làm sân bay đã vào ở trong khu tái định cư này, lo lắng nói giờ đã tháng 7 rồi nhưng việc xây dựng các trường học trong khu tái định cư vẫn chưa xong. Do vậy, không ít người dân đã tái định cư ở đây lo lắng năm học 2022 - 2023 sắp tới tiếp tục đi rước con xa nhà.
Một hiệu trưởng trường tiểu học chia sẻ: trường cũ ở ấp Suối Trầu đã đập bỏ để nhường đất san lấp nền sân bay nên nhiều phụ huynh đi ra khu tái định cư, mong con mình có trường học mới, gần nhà. "Với cách lý giải thi công chậm chạp do giá vật tư tăng mà không có giải pháp để tháo gỡ chắc sắp tới tụi nhỏ ở khu này phải học các trường cũ ở xã Bình Sơn thôi", vị này nói.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần 2 do niên độ của dự án chưa được gia hạn nên các gói thầu hoàn thành trong năm 2021 chưa có cơ sở ký phụ lục điều chỉnh tiến độ hợp đồng để làm cơ sở tạm ứng, thanh toán giải ngân khối lượng cho các nhà thầu. Mặt khác, dịch bệnh COVID-19, giá nhiên liệu và nhiều loại nguyên liệu tăng đã khiến các nhà thầu không thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án...
Trước hiện trạng dân đã vào tái định cư nhưng nhiều gói thầu chưa xây dựng xong, ông Lê Văn Tiếp, chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết huyện đang lo nhất là việc xây dựng các cơ sở giáo dục nhưng chưa đảm bảo tiến độ khi mới chỉ xây xong cơ bản trường mầm non nhưng chưa hoàn thiện hệ thống điện, nước, chưa có trang thiết bị trường học. Vì vậy huyện sẽ tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trường học để việc chuyển trường, sắp xếp hồ sơ, bố trí phòng học cho học sinh trước năm học mới.
H.MI
Giải phóng mặt bằng cầu Rạch Miễu 2 còn chậm
Sáng 12-7, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang về tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo ông Lâm, hiện tỉnh Tiền Giang đang triển khai 7 dự án giao thông lớn như cầu Rạch Miễu 2, kênh Chợ Gạo, cầu Mỹ Thuận 2...
Trả lời Thứ trưởng Lâm về dự án cầu Rạch Miễu 2 khi hiện việc giải phóng mặt bằng ở tỉnh Tiền Giang chỉ hơn 2%, trong khi đó tỉnh Bến Tre hơn 20%, ông Trần Văn Thi, giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, thông tin tỉnh Tiền Giang đã bàn giao được 0,19/6,84km tại các vị trí đất công và kênh rạch. Tuy vậy, mặt bằng nằm rải rác không liên tục, chưa đủ điều kiện thi công. Việc di dời mồ mả đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 2 hộ đang khiếu nại về giá. Hệ thống đường điện, nước còn nhiều vướng mắc, chưa chốt được thời gian di dời.
Ông Trần Văn Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết trong quá trình triển khai cũng có những khó khăn với địa phương. Chẳng hạn đoạn đường dẫn cầu Rạch Miễu 2 là một đoạn không dài, nhưng một đoạn đi qua thành phố Mỹ Tho, một đoạn đi qua huyện, vì vậy việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Các sở ngành cũng phải linh hoạt, vận dụng các cơ chế, vận động người dân để giao mặt bằng sớm hơn so với quy định. Ông Dũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường cùng các ngành chức năng địa phương phối hợp với ban quản lý dự án, chậm nhất tháng 9 phải bàn giao mặt bằng để thi công.
MẬU TRƯỜNG
Chủ đầu tư phải "động viên" nhà thầu
Công trình thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Tại công trình đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đại diện chủ đầu tư cho hay phải "động viên" các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2022 trong bối cảnh khó khăn vì giá nguyên vật liệu tăng cao. Ông Lê Văn Sáu, phó giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đại diện chủ đầu tư dự án, cho hay với giá nguyên vật liệu hiện nay, nhà thầu bỏ ra 10 đồng làm một hạng mục thì chỉ thanh toán được 8 đồng. Giá cả tăng cao, rất khác so với giá ghi trong hợp đồng 2 năm trước làm dòng tiền tái đầu tư và sản xuất bị thiếu hụt, ảnh hưởng một phần đến tiến độ triển khai ngoài hiện trường. Tuy nhiên, "nếu không thực hiện xong trong năm nay, phải kéo dài sang năm tới, không chỉ nhà thầu chịu thiệt mà công trình chậm đưa vào khai thác sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư", ông Sáu chia sẻ.
Cũng theo ông Sáu, mặc dù sau này dự án có thể được điều chỉnh giá nhưng chỉ số giá các địa phương đưa ra chưa phản ánh đúng thực tế trượt giá, chưa kể việc công bố chỉ số này còn thường chậm từ 3 - 6 tháng.
Ông Nguyễn Minh Huy, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Đà Nẵng, cho hay giá bỏ thầu trước đây đã trở nên thấp hơn giá nguyên vật liệu, chưa kể giá xăng dầu tăng gần đây khiến các nhà thầu có cảm giác tiếp tục làm sẽ gánh thua lỗ.
"Nhà thầu cũng la làng vì chi phí cao, chúng tôi phải tìm cách điều hành và động viên nhà thầu, giải ngân theo đúng tiến độ" - ông Huy nói và cho rằng theo quy định có thể bù giá theo chỉ số giá, nhưng giá một số nguyên vật liệu gần đây tăng quá mạnh khiến chỉ số giá không bù nổi.
TẤN LỰC
Cảnh báo tâm lý thi công cầm chừng
Theo Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) - chủ đầu tư công trình cầu Mỹ Thuận 2, thời gian qua đơn vị này nhận được nhiều ý kiến, văn bản phản ánh của các nhà thầu thi công dự án về tình hình biến động tăng giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng, giá tăng dần qua các tháng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cụ thể, tỉ lệ tăng giá bình quân của các loại vật liệu xây dựng chủ yếu tính đến nay (so với giá thời điểm ký hợp đồng quý 1, 2-2020) như sau: thép tăng khoảng 30 - 40%, ximăng 15 - 20%, nhựa đường 15 - 20%, cát bêtông 20%, đá xây dựng 10%, đất đắp nền 30 - 40%, nhiên liệu 90 - 110% (chiếm 3,5 - 6% chi phí dự án). Tổng hợp lại, giá gói thầu tăng bình quân từ 15 - 20%.
Mặc dù các hợp đồng thi công mà Ban quản lý dự án 7 ký với các nhà thầu đều sử dụng loại hợp đồng theo giá điều chỉnh, tuy nhiên các địa phương công bố giá vật liệu và chỉ số giá xây dựng vẫn còn chậm, chưa phản ánh và theo kịp tình hình biến động tăng giá của thị trường. Từ đây, các nhà thầu có thể thi công cầm chừng chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Từ những khó khăn đó, đại diện Ban quản lý dự án 7 đã đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn giá, trợ giá đối với các loại vật liệu xây dựng. Ngoài ra, đối với vật liệu có biến động lớn, bất thường (xăng dầu, sắt thép...), đề nghị có thể xem xét phân tích cho bù giá trực tiếp hoặc nghiên cứu giải pháp điều chỉnh giá hợp đồng.
MẬU TRƯỜNG
Thiếu trầm trọng cát đắp nền, nguy cơ trễ tiến độ
Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài gần 23km. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên, theo các nhà thầu, từ đầu năm 2022 đến nay, việc thực hiện gói thầu này chậm so với kế hoạch đề ra là do bàn giao giải phóng mặt bằng chậm, đặc biệt là giá vật liệu tăng, thiếu nguồn cung cát để thi công. Ông Nguyễn Minh Khiêm, chỉ huy trưởng gói thầu XL-03, cho biết hiện chỉ 2 tỉnh có nguồn cát đáp ứng được các chỉ tiêu để thi công cao tốc là An Giang và Đồng Tháp.
"Theo yêu cầu mỗi ngày cần khoảng 8.000 - 10.000m3 cát tùy thời điểm nhưng hiện chỉ được cung cấp 2.000 - 3.000m3. Vì thế, nếu không giải quyết được nguồn cát thì tiến độ gói thầu sẽ chậm ít nhất từ 4 - 6 tháng. Hiện nhà thầu lên phương án sử dụng phối đá dăm để thay thế khi nguồn cát khan hiếm", ông Khiêm cho hay.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết thêm thời điểm này dự án cần 300.000 - 400.000m3 cát đắp gia tải, tương đương 12.000 - 15.000m3 mỗi ngày. Do khó khăn về nguồn cung nên mỗi ngày dự án mới chỉ đắp được 5.000 - 7.000m3. Ông Lê Bá Trung, chỉ huy trưởng liên danh gói thầu XL-02, cho hay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất khan hiếm về nguồn cát, rất khó khăn cho nhà thầu. "Nhà thầu sẽ tập trung chở vật liệu cát phối đá dăm và đất về đắp gia tải thay thế cát để đáp ứng tiến độ", ông Trung nói.
Với 2 dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, hiện chủ đầu tư đang phối hợp nghiên cứu sử dụng cát biển thay thế. Tuy nhiên, phương án này phải cần trải qua giai đoạn thi công thí điểm, quan trắc ảnh hưởng môi trường, ban hành tiêu chuẩn, quy trình thi công, định mức đơn giá. Nếu thành công, đến cuối năm 2023 mới có thể bắt đầu áp dụng.
CHÍ HẠNH