Các doanh nghiệp logistics Việt Nam: 'Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau'

3 năm trước 288
 Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau - Ảnh 1.

Buổi hội thảo thu hút rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics trên cả nước - Ảnh: PHẠM TUẤN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng. 

"Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp. Đồng thời hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp", ông Khánh nhấn mạnh.

Hiện nay 95% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.

Nhiều doanh nghiệp tham dự hội thảo cho hay năm 2020 được đánh giá là một trong những năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. 

Trong khi một số nơi các hoạt động logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, một số phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn giao hàng tại nhà tăng đột biến. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của ResearchAndMmarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 3.215 tỉ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn. 

Ông Nguyễn Quốc Phương, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho hay để logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ngoài vấn đề về cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, cần sự nỗ lực của các ngành, các cấp có liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành.

Giám đốc bộ phận vận chuyển Lazada Việt Nam Ngô Thị Trúc Anh cũng cho rằng để dịch vụ logistics phát triển, rất cần sự đầu tư công nghệ của doanh nghiệp vào hạ tầng logistics, “số hóa” các khâu từ giao hàng đến thanh toán... để việc giao hàng nhanh chóng nhất có thể.

“Để nâng sức cạnh tranh, việc chuyển đổi số là rất quan trọng và các doanh nghiệp Việt Nam từ doanh nghiệp sản xuất đến các doanh nghiệp vận chuyển, logistics cần phải nỗ lực số hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay”, bà Ngô Thị Trúc Anh nói.

Đại diện chuỗi cung ứng SmartLog cho hay hiện nay hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài những nỗ lực chuyển đổi số trong bản thân mỗi doanh nghiệp thì cũng nên cùng nhau bắt tay hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. 

"Để cùng nhau phát triển thành những doanh nghiệp lớn trong tương lai, chúng ta nên hợp tác, bắt tay cùng nhau làm việc. Bởi muốn đi thật xa không thể đi một mình, mà phải đi cùng nhau", đại diện chuỗi cung ứng trên nhấn mạnh.

'Cần xác định Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics'

TT - Nguyễn Duy Minh - tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - đưa ý kiến này tại hội nghị ngày 12-7.

Nguồn bài viết