Các doanh nghiệp công nghệ cao ‘cõng’ chi phí lưu trú hàng trăm tỉ đồng

3 năm trước 311
Các doanh nghiệp công nghệ cao ‘cõng’ chi phí lưu trú hàng trăm tỉ đồng - Ảnh 1.

Người lao động tại Khu công nghệ cao TP.HCM được tiêm vắc xin - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM (SBA) vừa có văn bản kiến nghị về việc tổ chức, triển khai phương án vừa lưu trú vừa sản xuất.

Theo SBA, các doanh nghiệp đang bố trí nơi lưu trú tập trung theo mô hình "3 tại chỗ", đảm bảo tốt về điều kiện cơ sở vật chất lẫn an toàn phòng dịch. Các doanh nghiệp áp dụng mô hình "1 cung đường 2 địa điểm" cũng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, giãn cách ở chỗ làm và nơi ở.

Tuy vậy, SBA cho rằng các doanh nghiệp đang phải gồng mình vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, phát sinh chi phí chống dịch trực tiếp, gián tiếp và chi phí cơ hội rất lớn. 

Lấy dẫn chứng từ khi áp dụng mô hình "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 địa điểm", các doanh nghiệp như Intel, Jabil, Datalogic, Sonian... đã bỏ ra kinh phí lên đến hơn 300 tỉ đồng/tháng cho việc lưu trú. Những chi phí này chưa bao gồm phí xét nghiệm, khử khuẩn, thưởng thêm cho người lao động mùa dịch, bữa ăn phụ, tăng cường phương tiện đưa đón, trang thiết bị bảo hộ... 

Tất cả chi phí trên nếu tính đến hết năm 2021 sẽ là con số lớn, dẫn đến nguy cơ cao doanh nghiệp sẽ thu hẹp quy mô, giảm sản lượng, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, việc làm, khách hàng quốc tế sẽ tìm nguồn cung khác thay thế...

Đối với vấn đề lao động, SBA cho hay hiện người lao động tại các doanh nghiệp bị giảm nhiều nên doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động để tăng ca nhưng vẫn đảm bảo chế độ nghỉ ngơi, điều này dẫn đến số giờ tăng ca sẽ vượt khung theo quy định hiện hành.

Trước thực tiễn sản xuất, SBA đề xuất thí điểm phương án "1 cung đường 2 địa điểm" cho lao động đi từ nhà đến nhà máy. 

Theo đó, người lao động có tay nghề, kinh nghiệm, đang được bảo vệ tốt tại nhà sẽ được đưa đón đến nhà xưởng theo phương án "1 cung đường 2 địa điểm". Doanh nghiệp sẽ áp dụng biện pháp phòng dịch cho đối tượng lao động này bằng cách thực hiện chính xác đi lại 2 địa điểm là từ nhà đến nhà máy, khai báo sức khỏe online, xét nghiệm ít nhất 1 lần/tuần...

Theo SBA, phương án này là giải pháp lâu dài, người lao động sẽ tự bảo vệ mình khi tham gia vào nhóm "lao động xanh", giúp doanh nghiệp kiểm soát được chi phí phát sinh và người lao động cũng yên tâm chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong mùa dịch.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP cũng đề xuất xây dựng khu điều trị F0 riêng cho người lao động trong khu với hình thức là bệnh viện dã chiến nằm trong hoặc gần Khu công nghệ cao TP, các doanh nghiệp sẽ chung tay chia sẻ áp lực đối với các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn sớm có thêm vắc xin để tiêm cho người lao động và tiếp cận nguồn cung các bộ xét nghiệm COVID-19 với giá thành tốt hơn hiện nay.

Doanh nghiệp Doanh nghiệp '3 tại chỗ' vừa làm vừa lo

TTO - Trong lúc dịch bệnh lan rộng ngoài cộng đồng, nhiều doanh nghiệp chọn mô hình "3 tại chỗ" (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ) để duy trì hoạt động sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận phải vừa làm vừa lo bởi khó khăn giăng tứ bề.

Nguồn bài viết