Các cảng phía Nam cần hợp tác cùng xử lý giảm tải cho cảng Cát Lái

3 năm trước 471
Các cảng phía Nam cần hợp tác cùng xử lý giảm tải cho cảng Cát Lái - Ảnh 1.

Tân Cảng Sài Gòn sẽ hợp tác với các cảng khác để giảm tải cho cảng Cát Lái - Ảnh: HẢI KIM

Tại buổi họp trực tuyến với các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển về việc giải quyết đề xuất, kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến tình trạng ùn tắc tại khu vực cảng Cát Lái, được tổ chức ngày 12-8, đại diện Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (Visaba) cho rằng hàng hóa dồn ứ tại cảng Cát Lái gây quá tải về hạ tầng kho bãi dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Công suất hoạt động của cảng Cát Lái liên tục phá vỡ quy hoạch, tiếp nhận tàu với sản lượng thông qua luôn vượt xa công suất thiết kế, trong khi cách đó không xa, các cảng trong cùng hệ thống cảng TP.HCM như SP ITC, SPCT, Hiệp Phước… được đầu tư hiện đại lại đìu hiu, vắng vẻ, không thể kéo nổi chân hàng do sự cạnh tranh từ Cát Lái.

Các cảng này đang hoạt động cầm chừng thấp xa so với công suất thiết kế, thậm chí phải thanh lý thiết bị xếp dỡ và chuyển đổi công năng sang làm hàng rời, hàng ô tô… Do đó, Visaba cho rằng làm sao giải quyết hài hòa giữa cảng Cát Lái với các cảng khác. 

Theo ông Hoàng Hồng Giang, phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, từ câu chuyện ùn tắc ở cảng Cát Lái, nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) cần suy nghĩ về hướng các cảng cùng tương hỗ để giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh vượt qua rào cản để cùng nhau phát triển. 

Nếu vẫn giữ tư duy chia nhỏ các cảng từ quy hoạch đến hành động thì mỗi cảng chỉ có thể vài trăm mét cầu tàu, không thể có tuyến bến dài, trong khi cảng biển muốn phát triển mạnh mẽ và trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực thì phải có sự liên kết, chia sẻ. 

"Mỗi cảng vẫn tự mình rào lại, phân từng khoảnh thì chúng ta chỉ là xóm nhỏ mà thôi. Cảng biển Việt Nam muốn phát triển thành hệ thống cảng trung chuyển quốc tế như Singapore, Thượng Hải... phải dựa vào hàng km cầu cảng, hàng nghìn hecta trên mặt đất... Muốn vậy phải có sự liên kết chặt chẽ giữ các cảng biển với nhau", ông Giang nói. 

Cũng theo ông Giang, vấn đề của các cảng phía Nam hiện nay là câu chuyện kết nối gồm kết nối đường bộ và đường thủy. Nhưng kết nối quan trọng nhất và có thể làm ngay là kết nối công nghệ hay kết nối số để thông tin giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ việc sắp xếp các tàu vào khu vực một cách hợp lý, phục vụ khách hàng tốt hơn. 

"Nếu không có hệ sinh thái mềm thì rất khó điều tiết các lượt xe khổng lồ với hơn 16.100 lượt xe ra vào cảng Cát Lái/ngày. Mà như vậy thì chúng ta không thể nâng cao năng lực khai thác cảng và luân chuyển hàng hóa một cách hiệu quả. Ngoài ra, các cảng cần phát triển mảng dịch vụ để thu hút thêm khách hàng chứ không chỉ trông chờ vào các biện pháp can thiệp hành chính", ông Giang nói. 

Lượng hàng qua cảng Cát Lái đã vượt công suất quy hoạch năm 2030?Lượng hàng qua cảng Cát Lái đã vượt công suất quy hoạch năm 2030?

TTO - Theo Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam, từ năm 2017 sản lượng hàng hóa thông qua khu cảng biển Cát Lái đã liên tục tăng và vượt công suất quy hoạch cảng đến năm 2030.

Nguồn bài viết