Theo Ban tổ chức, tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên cơ quan báo chí về an toàn thông tin, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống các mối đe dọa an ninh mạng và chia sẻ kinh nghiệm bảo mật thông tin trong hoạt động báo chí.
Tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định an toàn thông tin là thực hành ngăn chặn trái phép, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, kiểm tra, ghi lại hoặc phá hủy thông tin.
Theo Chuyên gia Ngô Việt Khôi, đặc thù nghề báo phải tiếp xúc nhiều với máy tính, thẻ nhớ, usb, hệ thống mạng, hệ thống lưu trữ dữ liệu... đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin. Các cơ quan báo chí luôn nằm trong tầm ngắm của hacker. Thông tin đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và đảm bảo an ninh quốc gia. Các cơ quan báo chí chứa đựng nguồn thông tin chủ lực của mỗi quốc gia, nếu những cơ quan này bị "khóa chặt", không thể lên tiếng hoặc lại phát đi những thông tin sai lệch, dễ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Theo báo cáo chỉ số tình báo an ninh mạng IBM, lỗi của con người là nguyên nhân chính góp phần gây ra 95% các vụ rò rỉ. Mỗi phóng viên, biên tập viên đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan báo chí.
Một số thói quen có thể gây mất an toàn thông tin trong môi trường báo chí được các chuyên gia chỉ ra như: Sử dụng mật khẩu yếu và tái sử dụng mật khẩu; thiếu cẩn trọng khi sử dụng email; không khóa màn hình máy tính khi không sử dụng; không dùng mã hóa hoặc công cụ bảo mật; sử dụng wifi công cộng không an toàn; chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội; không cảnh giác với các dấu hiệu lừa đảo; không cập nhật phần mềm và hệ điều hành; không thực hiện sao lưu dữ liệu...
Chuyên gia Ngô Việt Khôi cho rằng, các cơ quan thông tấn, báo chí cần chủ động xây dựng văn hóa an toàn thông tin trong cơ quan, kết hợp giữa hệ thống thông tin và vai trò của con người, đặc biệt đề cao vai trò của người lãnh đạo trong việc đảm bảo an toàn thông tin.