Theo Bộ Tài chính, nhiều địa phương và bộ ngành đề nghị xin trả lại vốn đầu tư công do tỉ lệ giải ngân thấp (ảnh chụp cuộc họp bàn giải pháp đẩy nhanh tỉ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài hôm 7-10) - Ảnh: M.MINH
Ngày 7-10, Bộ Tài chính chủ trì họp trực tuyến với các bộ ngành và địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài 9 tháng đầu năm 2021.
Theo ông Trương Hùng Long - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 9 tháng đầu năm đạt rất thấp.
"Điều đáng nói, tính đến ngày 6-10, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản của 9 bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương... đề nghị trả lại vốn. Tổng số vốn được trả lại 8.054 tỉ đồng, chiếm hơn 44% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao", ông Long nói.
Dịch COVID-19 khiến dự án bị tạm dừng
Về nguyên nhân trả lại vốn vay, GS.TS Lê Trường Giang - trưởng ban kế hoạch tài chính, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ - cho biết do dịch COVID-19. Thực tế, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ đã có công văn xin trả lại 89% trong tổng số vốn được giao 2.159 tỉ đồng của năm nay.
Nguyên nhân lớn nhất khiến tỉ lệ giải ngân các dự án đầu tư công thấp, theo giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà, cũng do đại dịch COVID-19. Các dự án đều gắn với yếu tố đầu tư nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến chuyên gia nhân công, nhà thầu…
Bên cạnh đó là vướng mắc liên quan quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA còn phức tạp.
Do đó, tỉ lệ giải ngân các dự án vốn vay ODA, vốn vay nước ngoài của TP.HCM đến nay mới đạt 1.621 tỉ đồng, bằng 12,45% tổng số vốn được giao.
Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin do dịch COVID-19, toàn bộ dự án trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 không thể thi công. Mặt khác, giá thép đến thời điểm này tăng 7 lần so với thời điểm khi ký hiệp định vay, đẩy tổng mức đầu tư vượt 500 tỉ đồng.
Do đó, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công vay nước ngoài mới đạt 45,5% số vốn được giao (2.845 tỉ đồng).
Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, theo bà Hà, tới đây TP.HCM sẽ trình HĐND TP điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 theo hướng cắt giảm vốn đầu tư cho dự án có tỉ lệ giải ngân thấp, chậm triển khai.
Đồng thời, TP sẽ bổ sung kế hoạch vốn cho dự án cấp bách, có khả năng giải ngân nhanh.
Trả lại là mất tiền
Về việc hàng loạt các địa phương, bộ ngành xin trả lại vốn, ông Trương Hùng Long khuyến cáo dự án nào không được triển khai thì phải điều chuyển vốn ngay cho những dự án tiến độ giải ngân tốt hoặc trả vốn. Tuy nhiên, các bộ ngành, địa phương phải tính toán việc trả vốn.
Đừng để tình trạng cuối năm có khối lượng lại không có tiền để thanh toán. Chuyện này năm ngoái đã xảy ra.
Còn theo bà Mai Thị Thùy Dương, phó vụ trưởng Vụ đầu tư - Bộ Tài chính, các bộ ngành phải suy nghĩ trước khi trả vốn, xác định trả lại là mất tiền, trả xong đến sang năm là không có tiền. Việc bổ sung vốn khó vì liên quan đến điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn phải báo cáo Quốc hội.
Từ thực tế nêu trên, ông Võ Hữu Hiển - phó cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại - kiến nghị việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 cần đúng, đủ, sát thực tế, hạn chế việc giao thừa, giao không đủ điều kiện phân bổ dẫn đến phải hủy kế hoạch vốn phân bổ như tình trạng năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, 11 địa phương đến nay chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công vay nước ngoài gồm Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kon Tum, Đồng Nai, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.